Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tiếp tục xem xét, cho ý kiến vào tờ trình, báo cáo

14:17, 30/10/2014

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 30-10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục xem xét Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo T.P Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh ra quy chế mới về quản lý đô thị; có vốn ứng trước để giải phóng mặt bằng; đề nghị kiểm tra việc sử dụng quỹ đất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Đồng chí Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sẽ ban hành quy chế quản lý, quy hoạch đô thị; tiếp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành rà soát thu hồi các dự án chậm tiến độ và không khả thi. Theo đồng chí, hiện có khoảng 5 vạn lao động tập trung ở khu vực Nhà máy Sam Sung, vì vậy xây dựng nhà ở cho công nhân là yêu cầu cấp thiết.

 

Kết luận vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Chương trình cần vận dụng các tiêu chuẩn tiên tiến nhất để thực hiện; cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch nghiêm túc; mở rộng thêm quy hoạch chuẩn về lòng đường và vỉa hè. Cụ thể, đường trục chính đô thị, liên khu vực tối thiểu là 36m; đường cấp khu vực tối thiểu là 27m, đường nhóm nhà ở tối thiếu 16,5m; vỉa hè tối thiểu 6m; công viên trung tâm đô thị lớn hơn hoặc bằng 15ha; công viên đô thị 3 ha; vườn công cộng 2-3 ha; xác định quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa. Đồng chí Bí thư cũng yêu cầu T.P Thái Nguyên rà soát các khu đô thị mới trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch, trước hết là hạ tầng giao thông đường trục chính, có giải pháp bổ sung nhà ở xã hội; giải quyết xong vấn đề tái định cư, ưu tiên tái định cư tại chỗ.

 

Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã cho ý kiến vào đề nghị của UBND tỉnh về Quy định chế độ thù lao hằng tháng đối với thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã. Theo đó, năm 2015, toàn tỉnh dự kiến thành lập 65 đội, 351 thành viên làm nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn, kinh phí chi khoảng 1,722 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến 2020 sẽ có 91 đội, 489 thành viên. Đa số ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí việc thành lập Đội và có thù lao đối với người làm công tác tình nguyện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp để tránh tình trạng không làm vẫn hưởng thù lao; cần làm điểm ở một số xã/phường.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận: Thực trạng tệ nạn xã hội của tỉnh hiện đang ở mức cao, cần thiết phải có Đội xã hội tình nguyện. Đội ngũ làm công tác phòng, chống TNXH phải được động viên khuyến khích nhưng đảm bảo quản lý chặt chẽ. Nguồn kinh phí chi trả chế độ thù lao hàng tháng do tỉnh hỗ trợ, kinh phí mua trang phục cho thành viên Đội do ngân sách huyện, chi các hoạt động thường xuyên do ngân sách xã đảm bảo.