CN, 12/01/2025, 20:31

Chung tay chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân

20:54, 09/10/2014

Tỉnh ta hiện có trên 3.500 doanh nghiệp (DN) hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những năm qua, đóng góp của cộng đồng các DN, doanh nhân là rất lớn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, đảm bảo ngân sách và an sinh xã hội cho địa phương. Thời gian gần đây, do kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế trong nước suy giảm, hoạt động của các DN, doanh nhân nói chung, trong đó có đội ngũ DN, doanh nhân Thái Nguyên nói riêng, cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ, trình độ khoa học, công nghệ, máy móc thiết bị… chưa tương xứng, khó đáp ứng được nhu cầu đề ra, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh không tránh khỏi khó khăn, tồn tại.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều cơ chế, chính sách giúp đỡ DN. Năm 2014, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước đã được điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho DN. Từ lãi suất ngân hàng, tỷ lệ trượt giá, tỷ lệ lạm phát đến khả năng tiếp cận vốn, giải quyết hàng tồn kho (sắt thép, xi măng, hàng may mặc…) cho DN đều được điều chỉnh, cải thiện, bước đầu mang lại hiệu quả. Về phía tỉnh Thái Nguyên, thực hiện các cơ chế, chính sách đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng DN, doanh nhân. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN đã được UBND tỉnh triển khai kịp thời đến các cơ quan, đơn vị cũng như các đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện chính sách tạm giãn, tạm hoãn, miễn thuế theo chủ trương của Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh, các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện chính sách xem xét xử lý nợ xấu cũng như điều chỉnh trần lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

 

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tỉnh ta đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo sức hấp dẫn đầu tư. Năm 2013 là năm kế tiếp kể từ sau khi Thái Nguyên vượt 40 bậc để đứng ở vị trí 17 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (2012), tỉnh ta đã thu hút được 21 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên đến trên 3,8 tỷ USD. Điều đó giúp Thái Nguyên trở thành một trong những Tỉnh dẫn đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh không phải là kết quả đánh giá của riêng nhóm doanh nghiệp FDI mà nó là kết quả của các nhóm doanh nghiệp khác nhau được phát phiếu đánh giá một cách ngẫu nhiên. Do đó năm 2013, mặc dù chỉ số PCI của Tỉnh tụt 8 bậc so với năm 2012 nhưng vẫn nằm trong TOP các địa phương có chất lượng điều hành khá.

 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi đánh giá rất cao các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên đứng vững trên thị trường. Sự đóng góp của các nguồn vốn đầu tư, trong đó có vốn FDI vào tỉnh đã tạo thuận lợi cho các DN trong tỉnh có điều kiện phát triển tốt hơn. Từ việc đầu tư đó đã góp phần kích thích các DN xây lắp, xây dựng, cơ khí, luyện kim trong tỉnh phát triển sản xuất, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm mũi nhọn của địa phương như xi măng, sắt thép, gạch ngói, cát, đá, sỏi… Ngoài ra, còn giúp tạo công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập đảm bảo cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Đây cũng chính là sự đồng hành của chính quyền cùng các DN, doanh nhân trên địa bàn tháo gỡ khó khăn trong suốt thời gian qua. Để các DN hoạt động ngày càng thuận lợi, tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiện nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được khánh thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2014; dự án nâng cấp tuyến Quốc lộ 3 cũ đoạn T.P Thái Nguyên - cầu Đa Phúc đã cơ bản hoàn thành; hiện tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, các nhà thầu BOT và tỉnh Bắc Kạn để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, thi công tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Cùng với đó là hạ tầng điện, nước, viễn thông, dịch vụ cũng được tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm tạo điều kiện cho các DN phát triển.

 

Những đóng góp của các DN, doanh nhân đối với tỉnh thời gian qua, nhất là trong năm 2014 này, đã thực sự giúp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh có bước tăng trưởng khá. Chỉ tiêu thu ngân sách năm nay sẽ phấn đấu đạt kế hoạch HĐND tỉnh giao; chỉ tiêu tạo việc làm mới cho người lao động năm 2014 chắc chắn vượt kế hoạch vì hiện nay chỉ tính riêng Công ty Samsung Thái Nguyên sau 6 tháng đi vào hoạt động đã có trên 36.000 lao động, dự kiến trong năm 2015 Công ty sẽ đầu tư mở rộng thêm 3 tỷ USD nữa, nâng tổng số lao động của Công ty làm việc tại Thái Nguyên lên con số trên 57.000 lao động. Như vậy, có thể nói, không phải ngẫu nhiên, tỉnh ta được đánh giá là tỉnh có chỉ số sử dụng lao động tăng cao nhất trong cả nước, khi tăng tới 79,7%..Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), tỉnh đã chỉ đạo tổ chức gặp mặt các DN, doanh nhân trên địa bàn vào ngày 10-10, nhằm ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của họ thời gian qua, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần nỗ lực vượt khó của các DN, doanh nhân tỉnh nhà. Chính sự nỗ lực vượt khó và tăng trưởng mạnh mẽ của các DN, doanh nhân sẽ góp phần tích cực giúp tỉnh thực hiện thành công mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin chúc mừng các DN, doanh nhân nhân ngày truyền thống, đồng thời mong muốn cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, các cấp, ngành hãy cùng chung tay chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN, doanh nhân ngày càng phát triển nhanh, mạnh, bền vững.