Chương trình giao lưu nghệ thuật “Dấu ấn lịch sử trên Thủ đô kháng chiến”

08:32, 04/10/2014

Tối 3/10, Đài  Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình  Hà Nội, huyện Đại Từ phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Dấu ấn lịch sử trên Thủ đô kháng chiến”. Chương trình nhằm tôn vinh, phát huy giá trị di tích, vai trò lịch sử của ATK Đại Từ, Thái Nguyên - Nơi chuẩn bị các hoạt động tiếp quản Thủ đô Hà Nội; Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/101954 - 10/10/2014), 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ; đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và thể hiện tình cảm tốt đẹp giữa cán bộ và đồng bào vùng Thủ đô kháng chiến (Thái Nguyên) với Thủ đô Hà Nội trong quá khứ cũng như hiện tại. Tham dự có các đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành, thị cùng đông đảo cán bộ và đồng bào vùng ATK Đại Từ  - Thái Nguyên.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Các đại biểu và nhân dân vùng ATK Thái Nguyên tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật.

 

Thái Nguyên là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, nơi được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là an toàn khu, Thủ đô kháng chiến, đặt đại bản doanh của nhiều cơ quan Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đây, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước đã được truyền tới khắp các chiến trường, các miền của đất nước, làm nên những chiến công vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Là nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử quan trọng, gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô Hà Nội.

 

Từ đầu tháng 8/1954, đồng bào xã Hùng Cường xưa, nay là xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ đã vinh dự được đón Bác Hồ, TW Đảng, Chính phủ về sống và làm việc, lãnh đạo công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Lễ trình quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba tại đồi Giang, xã Tiên Hội; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội, trong đó Bác đã dành những lời căn dặn sâu sắc đối với cán bộ, Đảng viên, bộ đội và Thanh niên xung phong trước khi về tiếp quản Thủ đô.

 

Đặc biệt, mảnh đất Bản Ngoại, Đại Từ, Thái Nguyên còn là nơi chứng kiến Bác Hồ viết Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng ngày 10/10/1954. Đây là văn bản chính thức thể hiện những quan điểm tư tưởng lớn của Bác Hồ, của Chính phủ ta đối với công cuộc tiếp quản, giữ gìn ổn định và tái thiết Thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng,

 

Ngày 12/10/1954, cán bộ và đồng bào vùng ATK Đại Từ, Thái Nguyên lưu luyến chia tay Bác Hồ, chia tay các cơ quan TW rời chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội trong niềm vui, niềm hân hoan của cả dân tộc Việt Nam. Và từ đó, sự kiện lịch sử ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi, một trang sử mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam.

 

Giao lưu với nhân chứng lịch sử

 

Tại Chương trình giao lưu nghệ thuật “Dấu ấn trên Thủ đô kháng chiến”, khán giả đã  được gặp gỡ, giao lưu với những nhân chứng lịch sử như Đại tá Nguyễn Văn Biên, Nguyên Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô; Tiến sĩ Chu Đức Tính, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; PGS – TS Phạm Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cùng những nhân chứng: ông Triệu Văn Sơn, ông Bế Ngọc Khoa (Bản Ngoại, Đại Từ), ông Tạ Quang Chiến, ông Nguyễn Văn Hậu.

 

Phát biểu tại chương trình giao lưu, đồng chí Dương Ngọc Long nhấn mạnh: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô kháng chiến, trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp thiết thực, hiệu quả của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; sự đoàn kết, lao động, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Đại Từ nói riêng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, giành được những thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Sự hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên ngày càng được tăng cường, thông qua các chương trình, dự án, sự giúp đỡ, hỗ trợ trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa... Đồng chí cũng đề nghị, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quan tâm hơn nữa công tác đầu tư quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy có hiệu quả giá trị các di tích lịch sử. Khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của huyện, nỗ lực phấn đấu, cùng toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, góp phần phấn đấu đến năm 2020 đưa tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên.