Ngày 28-10, tại xã Đức Lương, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (DTTS ĐBKK) theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Đại Từ và UBND xã Đức Lương (ảnh).
Đại Từ là huyện miền núi, có 28 xã, 2 thị trấn, trong đó có 25 xã thuộc vùng khó khăn. Năm 2014, toàn huyện còn 7.626 hộ nghèo, chiếm 16,1%; 6.225 hộ cận nghèo, chiếm 13,14%. Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, tính đến ngày 30-9-2014, tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện theo các Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ là 4,8 tỷ đồng, với 844 lượt hộ được vay; số dư nợ còn 2,36 tỷ đồng của 344 hộ. So với số hộ DTTS ĐBKK được công nhận theo các quyết định thì tỷ lệ hộ được vay vốn theo chương trình này đạt thấp (45% đối với Quyết định số 32 và 26% đối với Quyết định số 54).
Đánh giá chung trong việc thực hiện các quyết định trên cho thấy, đa số các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích (chủ yếu để nuôi lợn nái, trâu và cải tạo, trồng mới chè), có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, mức cho vay theo các quyết định đều thấp (5-7 triệu đồng/hộ) nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân. Thêm vào đó, trình độ dân trí của các hộ này nhìn chung còn thấp, một số không nắm được kỹ thuật sản xuất cũng như khả năng phân bổ đồng vốn hợp lý nên hiệu quả mang lại không cao…
Đối với Đức Lương - xã ATK thuộc vùng 135, với 90% số hộ là đồng bào DTTS, hiện số dư nợ vốn vay theo Quyết định số 32 của xã là 15 triệu đồng, của 4 hộ; dư nợ theo Quyết định số 54 là 429 triệu đồng, của 68 hộ.
Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và xã Đức Lương đề nghị Trung ương cần nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS ĐBKK; bố trí 1 cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý giảm nghèo tại xã để có điều kiện sâu sát chương trình giảm nghèo; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm để các hộ nghèo được tiếp cận với tiến bộ KHKT; đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện hàng năm dành một phần ngân sách của địa phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn công tác đã yêu cầu Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và xã Đức Lương làm rõ thêm một số nội dung có liên quan đến việc bình xét cho vay, hiệu quả nguồn vốn vay, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc giúp người dân sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả, giúp các hộ sớm thoát khỏi tình trạng ĐBKK, vươn lên ổn định đời sống. Qua đây, Đoàn công tác cũng sẽ đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Trung ương và tỉnh những giải pháp chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.