Chiều ngày 25-10, tại khách sạn Đông Á Plaza, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam phối hợp với Hội KTS tỉnh tổ chức tọa đàm về chuyên đề “Quy hoạch- kiến trúc nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc”. Đến dự có đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại biểu đại diện Hội KTS các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lạng Sơn.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được thông tin sơ bộ về tình hình kiến trúc nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới; kiến trúc nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung và kiến trúc nông thôn tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Theo đó, trải qua bao đời nay, kiến trúc miền núi phía Bắc với những đặc thù riêng ít đổi thay dù ở riêng hay quần cư, biểu hiện dễ nhận thấy là mái nhà sàn hoặc nếp nhà của đồng bào miền xuôi lên khai hoang đều có đặc điểm: Lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng. Kiến trúc nhà ở của đồng bào gắn liền với không gian sản xuất vật chất nuôi sống con người.
Đối với việc quy hoạch ở tỉnh Thái Nguyên nói riêng, hiện có 143 đơn vị hành chính cấp xã đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình khác như: Chương trình 135; xóa đói giảm nghèo; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi… trong những năm qua đã tác động tích cực đến bộ mặt quy hoạch và kiến trúc nông thôn tỉnh Thái Nguyên. Đại biểu ở một số tỉnh cũng đã đưa ra ý kiến về những bất cập trong quy hoạch vùng nông thôn tại các tỉnh như: Quy hoạch xây dựng tự phát hay được lập ra trên bản đồ nhiều khi còn nặng về chia lô; hình ảnh kiến trúc đặc thù miền núi đang dần mất đi những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số…
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Đặng Viết Thuần mong muốn Hội KTS Việt Nam quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch các tỉnh miền núi phía Bắc; việc lập quy hoạch cho các thị trấn, thị tứ, các điểm dân cư cần quan tâm đến phương pháp lập quy hoạch, hạn chế việc chia lô; ưu tiên việc khảo sát khu quy hoạch với tiêu chí tôn trọng địa hình, phong tục tập quán, cảnh quan, định dạng các loại hộ theo công năng (hộ để ở, hộ ở kết hợp với kinh doanh…), đồng thời khi có quy hoạch, người dân cần được thông báo bằng nhiều hình thức với mục tiêu là để “dân biết, dân làm, dân bàn và dân kiểm tra”. Có như vậy, quy hoạch mới dễ đi vào cuộc sống và mang tính khả thi hơn…