Triển khai Chương trình quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu

17:57, 07/10/2014

Ngày 7-10, Đoàn công tác của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) và Viện Di truyền nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp - PTNT) do đồng chí Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh ta về nội dung thực hiện Chương trình quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Tại buổi làm việc, đại diện Viện Dược liệu đã trình bày nội dung Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, việc bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên bao gồm: Quy hoạch các vùng rừng, vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm, bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc (trong đó có tỉnh Thái Nguyên), Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu, đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu/năm; xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái; phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và đến năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của nước ta.

 

Về việc phát triển trồng cây dược liệu: Quy hoạch phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của 8 vùng sinh thái phù hợp với điều kiện sinh trưởng,  phát triển của cây thuốc để đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước… Đối với Thái Nguyên là một trong những tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng các loại cây dược liệu quý, có hiệu quả kinh tế cao, chính vì vậy cần có nhiều vùng quy hoạch trồng cây dược liệu để có thể khai thác tốt những lợi thế đó.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Viết Thuần bày tỏ mong muốn Chương trình quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu nói trên sớm được triển khai tại Thái Nguyên, với nhiều mô hình trồng, khai thác, chế biến đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trên địa bàn. Đồng thời, đồng chí cũng mong muốn khi Chương trình được triển khai, người dân sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về giống, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra của sản phẩm dược liệu...

 

Trước đó, Đoàn đã đến khảo sát mô hình trồng cây Hà thủ ô, cây Đinh lăng tại xã Phú Thượng (Võ Nhai).