Trong 3 năm trở lại đây, Công ty than Khánh Hòa (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) đã đầu tư khoảng 400 tỷ đồng cải tiến công nghệ, phương tiện chuyên dụng phục vụ khai thác và mở rộng khai trường, bãi đổ thải. Tuy nhiên, do vướng mắc về mặt bằng nên hoạt động sản xuất của đơn vị này bị đình trệ, người lao động thiếu việc làm, thu nhập bình quân tụt xuống còn 2 triệu đồng/người/tháng; thiết bị “đắp đống”…
Đi làm thuê để duy trì bộ máy
Ông Bùi Trần Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - VINACOMIN (công ty mẹ của Công ty than Khánh Hoà) rất tâm trạng khi thông tin với chúng tôi về việc ngày 1-11-2014, đơn vị này buộc phải điều động 13 thiết bị chuyên dụng trị giá gần 150 tỷ đồng và 60 cán bộ, công nhân của Công ty than Khánh Hoà, đi tỉnh Quảng Ninh để nhận hợp đồng khai thác than cho một đơn vị khác thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam. Việc để công ty mẹ điều động phương tiện, nhân lực đi làm thuê cho một đơn vị khác thuộc hệ thống là điều “cực chẳng đã” đối với Ban Lãnh đạo Công ty than Khánh Hoà nhưng ngoài cách này không còn hướng giải quyết nào khả thi hơn vì thực trạng hiện nay quá khó khăn. Kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty than Khánh Hoà trong 9 tháng năm 2014 thể hiện: Bóc thải được 3,2 triệu m3/7,5 triệu m3; sản lượng than khai thác mới đạt 400 nghìn tấn (bằng 60% kế hoạch)… Sản xuất của Công ty than Khánh Hoà bị đình trệ nên trên 1.000 cán bộ, công nhân đang thiếu việc làm, thu nhập bình quân 9 tháng chỉ đạt 2 triệu đồng/người/tháng (kế hoạc là 5 triệu đồng/người/tháng); nghĩa vụ tài chính của đơn vị đối với Nhà nước trong năm nay cũng khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra...
Nguyên nhân là do thiếu mặt bằng
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác giải phóng mặt mặt 4 dự án mà Công ty than Khánh Hoà phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện đều chậm tiến độ. Cụ thể: Các dự án mở rộng khu vực bãi đổ thải phía Tây, bãi đổ thải phía Nam và cả khu vực khai trường phía Bắc giai đoạn 2, khu tái định cư trung tâm xã Phúc Hà của Công ty than Khánh Hoà đều đang vướng mắc, tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm. Ông Đỗ Thanh Bình, Phó giám đốc Công ty than Khánh Hoà cho biết: Từ quý III năm 2012, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện Đại Từ, huyện Phú Lương và T.P Thái Nguyên để thực hiện các quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực khai trường phía Bắc giai đoạn 1, 2 bãi đổ thải và khu tái định cư trung tâm xã Phúc Hà. Trong đó, Dự án khai trường phía Bắc giai đoạn 1 và Dự án bãi đổ thải phía Tây quyết định hoạt động sản xuất của đơn vị nhưng mọi hoạt động đều bị người dân ngăn cản, bất hợp tác khi chưa thoả mãn những yêu cầu về giá đền bù, giữ nguyên tuyến đường dân sinh đi giữa bãi thải…”. Dự án khai trường phía Bắc giai đoạn 1 đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 28,4ha nằm trên địa bàn xã Sơn Cẩm (Phú Lương) và phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng là 109,5 tỷ đồng. Dự án đền bù giải phóng mặt bằng mở rộng bãi đổ thải phía Tây có diện tích đề nghị thu hồi là 34,64ha nằm trên địa phận xã An Khánh (Đại Từ) với tổng mức chi trả đền bù là 145,7 tỷ đồng. Cả 2 Dự án này đều được cán bộ của Công ty than Khánh Hoà phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất 2 huyện: Phú Lương, Đại Từ, UBND cấp xã và các hộ dân trong vùng ảnh hưởng họp công khai quy hoạch; thống nhất chụp ảnh, ghi hình hiện trạng các công trình, vật kiến trúc. Sau đó, các thành phần liên quan tiến hành kiểm đếm đất đai, tài sản, hoa màu trên đất, nhưng đến quý I năm 2013, các cơ quan liên quan mới lập xong hồ sơ trình UBND tỉnh thu hồi đất và phê duyệt phương án dự toán bồi thường (chậm vì lý do một số hộ dân cản trở, không phối hợp kiểm đếm tài sản). Đến nay, Dự án bãi đổ thải phía Tây mới có quyết định thu hồi đất với diện tích 29ha/34,64ha; Dự án khai trường phía Bắc đã có quyết định thu hồi 8,38ha, phần đất còn lại do người dân chưa hợp tác để kê khai, tự ý xây dựng, cơi nới công trình; cơ quan liên quan chưa hoàn tất thủ tục để ra quyết định thu hồi. Cá biệt là nhiều diện tích đất có quyết định thu hồi và người dân đã nhận tiền đền bù nhưng không chịu giao đất mà “mặc cả” phải chi trả thêm (190 hộ dân ở xã An Khánh yêu cầu trả thêm 30 triệu đồng/sào đất nông nghiệp). Ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Một số người dân ở xã An Khánh yêu cầu Công ty than Khánh Hoà trả thêm tiền so với giá đền bù, hỗ trợ mà cơ quan chức năng có thẩm quyền đã phê duyệt là trái với quy định hiện hành. Công ty than Khánh Hoà là doanh nghiệp Nhà nước nên đề nghị các hộ dân bị thu hồi đất ủng hộ dự án, thực hiện nghiêm các quyết định đã có hiệu lực thi hành”. Một số trường hợp ở các địa phương trên cũng không đồng ý với khung giá đền bù giá đất, phương án đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất (công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, công trình xây dựng sau khi đã công khai quy hoạch dự án)…
Cần tháo từng “nút thắt”
Do yêu cầu sản xuất và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các tổ chức, cá nhân trong phạm vi hoạt động khai khoáng nên từ năm 2012 đến nay, Công ty than Khánh Hoà đồng loại tiến hành các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng với diện tích lớn ở 3 địa phương trong tỉnh. Trong khi đó, nguồn lực về tài chính của Công ty than Khánh Hoà có những khó khăn nhất định nên việc triển khai xây dựng Khu tái định cư trung tâm xã Phúc Hà còn thiếu nhiều hạng mục công trình, chưa bàn giao quỹ đất tái định cư cho các hộ nằm trong diện phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm của bãi thải. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: “Địa phương đã bàn giao mặt bằng với diện tích 7ha để Công ty than Khánh Hoà xây dựng Khu tái định cư nhưng đến nay mới san lấp xong mặt bằng, chưa xây dựng hoàn thiện hạ tầng đã được UBND tỉnh phê duyệt, nên gần 60 hộ dân phải di chuyển chỗ ở chưa được giao đất tái định cư”.
Việc quản lý hiện trạng đất đai, xây dựng của chính quyền các xã: Sơn Cẩm, Phúc Hà, An Khánh hạn chế nên tình trạng xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, cơi nới công trình sau khi đã công bố dự án… còn xảy ra. Những điều này đã dẫn tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án phục vụ hoạt động sản xuất, đổ thải của Công ty than Khánh Hoà đều vướng mắc, chậm tiến độ. Vẫn theo ông Bùi Trần Đông: Điều mấu chốt hiện nay là khu vực bãi đổ thải phía Tây và khai trường phía Bắc giai đoạn 1 không được thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo kế hoạch thì mọi hoạt động sản xuất của Công ty than Khánh Hoà coi như tê liệt. Ông Trương Thế Dũng, Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Cẩm thông tin thêm: “UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đền bù tài sản của 5 hộ dân ở xóm Cao Sơn 4 nhưng các hộ này đều không nhận tiền mà tiếp tục đề nghị Công ty than Khánh Hoà nâng mức giá đền bù tài sản, kinh phí hỗ trợ di chuyển, buộc Công ty than Khánh Hoà phải gửi tiền vào ngân hàng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền nhiều lần nhưng đại diện 5 hộ dân nêu trên không chấp hành việc nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư”.
Do vậy, lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - VINACOMIN đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền huyện Đại Từ, T.P Thái Nguyên và huyện Phú Lương thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng. Đối với những trường hợp đã có quyết định thu hồi đất và đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định của pháp luật mà không bàn giao mặt bằng đề nghị tỉnh cần có biện pháp bảo vệ để đơn vị thực hiện các hoạt động sản xuất, đổ thải. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị này khẳng định là doanh nghiệp Nhà nước nên họ chỉ chấp nhận chi trả đền bù, hỗ trợ và các chế độ để giải phóng mặt bằng theo quy định của Nhà nước. Riêng về xây dựng hạ tầng các khu tái định cư ở phường Tân Long, xã Phúc Hà, lãnh đạo đơn vị đảm bảo đủ năng lực tài chính để đẩy nhanh tiến độ thi công và chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng khi tỉnh có quyết định thu hồi đất đối với những diện tích có nhu cầu mở rộng...