Ngày 19-12, ngài Jean-Noel Poirier, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta. Cùng đi với Đại sứ có ngài Michel Drobniak, Tham tán kinh tế Pháp; đại diện các nhà thầu và cán bộ quản lý dự án của Pháp. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Mục đích chính trong chuyến thăm và làm việc của Đại sứ Pháp là nắm bắt tình hình triển khai Dự án Thoát nước và Xử lý nước thải T.P Thái Nguyên (có sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Pháp); thống nhất với lãnh đạo tỉnh về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ của Dự án. Đồng chí Dương Ngọc Long đã bày tỏ sự vui mừng khi được đón chuyến thăm và làm việc tại Thái Nguyên lần đầu tiên của ngài Jean-Noel Poirier trên cương vị Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu với Đại sứ và các thành viên trong đoàn những nét khái quát của tỉnh, nhấn mạnh những lợi thế của địa phương về thu hút đầu tư và mong muốn sẽ được đón các doanh nghiệp Pháp tới khảo sát, đầu tư vào Thái Nguyên. Đại sứ Pháp đã cảm ơn vì sự đón tiếp thịnh tình của lãnh đạo tỉnh; ấn tượng đối với sự phát triển của Thái Nguyên thời gian gần đây.
Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư Dự án là Công ty Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên đã báo cáo về quá trình triển khai, những vướng mắc hiện nay của Dự án; nêu một số đề xuất với lãnh đạo tỉnh và ngài Đại sứ Pháp liên quan đến việc bố trí nguồn vốn đối ứng cũng như giải ngân vốn ODA cho Dự án. Theo đó, Dự án Thoát nước và Xử lý nước thải T.P Thái Nguyên được phê duyệt năm 2000, có tổng mức đầu tư quy đổi (đã điều chỉnh) vào khoảng 950 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Pháp là trên 410 tỷ đồng; nhằm xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải hiện đại tại khu vực phía Bắc T.P Thái Nguyên. Hiện nay đã có 9 gói thầu xây lắp hoàn thành, 11 gói đang thực hiện; khối lượng giải phóng mặt bằng đạt 20,8ha/21,3ha; việc nhập khẩu thiết bị đã hoàn thành; 3 gói thầu sử dụng vốn vay ODA đều đã thực hiện đạt gần 90% giá trị… Tuy nhiên, Dự án vẫn bị chậm tiến độ đáng kể so với yêu cầu do các nguyên nhân chính như: phải thay đổi thiết kế, việc bố trí vốn đối ứng không kịp thời và phát sinh chi phí do chậm tiến độ.
Ngài Đại sứ Pháp mong muốn tiến độ của Dự án được đẩy nhanh hơn nữa để sớm hoàn thành theo kế hoạch. Về đề nghị bổ sung vốn vay ODA cho Dự án, Đại sứ cho biết, Chính phủ Pháp hiện đang gặp khó khăn về kinh tế, tài chính nên không thể bố trí. Đề nghị tỉnh và các bên liên quan phía Việt Nam sớm thống nhất giải pháp tháo gỡ và bố trí vốn đối ứng…
Đồng chí Dương Ngọc Long nhấn mạnh, nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2016, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động. Giao chủ đầu tư thương thảo với các nhà thầu Pháp, tối ưu hóa phương án chi phí bổ sung. Tỉnh đã và sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu dùng nguồn vốn đối ứng chi cho phần lắp đặt thiết bị nhập khẩu; đề nghị các nhà thầu Pháp giám sát, hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt. Về phần vốn đối ứng chung, tỉnh sẽ bố trí kinh phí ưu tiên cho dự án trọng điểm này, đảm bảo nguồn vốn theo kế hoạch. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đại sứ quán Pháp tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho việc giải ngân phần vốn ODA còn lại và công tác hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án…