Hội thảo quốc tế Kinh tế và văn hóa xã hội các dân tộc thiểu số

21:04, 15/05/2015

Trong hai ngày 14,15-5, Đại học Khoa học Thái Nguyên (ĐHKH) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề Kinh tế và văn hóa xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập Asean.

Trên 100 đại biểu là các nhà khoa học đến từ các trường đại học của Philippin, các trường đại học, các viện nghiên cứu cùng các quản lý lĩnh vực văn hóa, thông tin truyền thông của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham dự Hội thảo.

 

Trên 20 tham luận đã được trình bày và hơn 100 bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế được gửi đến Hội thảo đã thu hút sự quan tâm chia sẻ của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Với một quốc gia đã sắc tộc trong khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế phát triển khá như Philippin, vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hội nhập Asean và quốc tế luôn được các nhà quản lý bổ sung chính sách bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống thúc đẩy phát triển. Đặc biệt các nhà khoa học đến từ Philippin cho rằng: Cần phân định rõ những giá trị truyền thống, giá trị bản sắc vốn có và giá trị tín ngưỡng cũng như những hủ tục, thói quen sinh hoạt trong cuộc sống mang màu sắc mê tín, kéo lùi sự phát triển…Từ những thang bậc giá trị sau phân loại thì những nhà quản lý sẽ căn cứ vào đó để bổ sung kịp thời chính sách mang tính quốc gia, đồng thời có sự nhận diện một cách khoa học, khách quan để bảo tồn hay bài trừ.

 

Hội thảo chí làm hai nhóm thảo luận gồm các lĩnh vực: Quản lý Nhà nước về văn hóa-xã hội; Kinh tế, y tế, giáo dục, quản lý tài nguyên. Các tham luận đã tập trung vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội qua các công trình nghiên cứu cảu các nhà khoa học, trong đó đề cập sâu vào lĩnh vực văn hóa, đời sống xã hội các dân tộc thiểu số chi phối đến quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế và các vấn đề bảo tồn, du nhập văn hóa giữa các dân tộc thiểu số. Với những trải nghiệm thực tế, nhà thơ dân tộc Tày Y Phương, Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà khao học thuộc nhóm nghiên cứu ngành Xã hội học của ĐHKH nhìn nhận: Cần coi trọng bản sắc và những tập quán trong đời sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các giá trị về văn hóa trong đó đều thể hiện những khát vọng của con người hướng đến giá trị Chân-Thiện-Mỹ, nếu phát huy tốt sẽ là động lực tinh thần để người dân đoàn kết, đồng lòng cùng thực hiện một mục đích nào đó theo định hướng của Nhà nước. Hoặc tham luận của Giáo sư, tiến sĩ Ruby Hechanova đến từ Philippin cho rằng: Vấn đề tăng trưởng kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên đất đai cũng cần dựa vào tập quán sinh sống của các bộ tộc bản địa. Bởi lẽ chỉ có họ mới hiểu hết được thổ nhưỡng, cảm nhận được những biến đổi khí hậu, thời tiết để trồng cây, thu hoạch đạt hiệu quả cao. Nhiều yếu tố khoa học chưa thể lý giải một cách thấu đáo những hiện tượng tự nhiên mà chỉ người bản địa mới thấu hiểu và là chủ.

 

Thực tế này cho thấy vấn đề hội nhập là cần thiết, là quan trọng để thông tin về khoa học, kinh nghiệm xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội hợp lý. Song hội nhập không đồng nghĩa thay đổi những giá trị truyền thống, đánh mất đi bản sắc văn hóa vốn có, mà phải khơi gợi được những giá trị tốt đẹp, tạo động lực cho xã hội phát triển.