Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XII sẽ xem xét, thông qua một số nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để độc giả nắm rõ hơn công tác chuẩn bị cũng như một số nội dung sẽ diễn ra tại kỳ họp, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh xung quanh vấn đề này.
P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị cho kỳ họp lần này của UBND tỉnh và HĐND tỉnh?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Như chúng ta đã biết, kỳ họp thứ 13 là kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh khóa XII. Trước khi kỳ họp diễn ra, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 46 cuộc tiếp xúc giữa các đại biểu HĐND tỉnh với gần 4.900 cử tri. Các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp đã được Các ban HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Các tài liệu phục vụ kỳ họp được hoàn thành và gửi tới đại biểu nghiên cứu đúng thời gian quy định.
Thường trực HĐND đã đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn được phân công chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp phải hoàn thành sớm, bảo đảm chất lượng. Các ban HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành khảo sát thực tiễn để báo cáo thẩm tra có nội dung sâu, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng.
Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và Trưởng các đoàn đại biểu HĐND tỉnh trong việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp theo nhóm các lĩnh vực và theo thẩm quyền giải quyết. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp để tập hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp, đảm bảo các ý kiến được tổng hợp chính xác và đúng thẩm quyền.
P.V: Được biết, nội dung về bổ sung và điều chỉnh mức thu, nộp mốt số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh và việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh (dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp lần này) còn có ý kiến khác nhau. Đồng chí có nhận xét gì về vấn đề này? Tiền lệ đã có trường hợp nào mà khi đưa ra còn nhiều ý kiến trái ngược phải để lại không, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Trong nhiệm kỳ khóa XII của HĐND tỉnh, các nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh đều được chuẩn bị kỹ từ khâu nghiên cứu xây dựng nghị quyết, khảo sát, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết, thẩm định của Sở Tư pháp, thẩm tra của Các ban HĐND tỉnh. Các nội dung quan trọng được tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, góp ý để hoàn thiện trước khi UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Do vậy, các dự thảo nghị quyết được xây dựng đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính pháp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh, đây là vấn đề mới đối với tỉnh ta, nhưng không phải là vấn đề mới vì đã có nhiều tỉnh thực hiện như Hà Giang, Lạng Sơn, Bình Định... Trong thực tế, những năm gần đây, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa là không đủ vốn kinh doanh, việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại còn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp nhỏ và vừa không có hoặc không đủ tài sản thế chấp. Việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp này.
Đối với Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về bổ sung, điều chỉnh mức thu, nộp một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Sau 2 năm thực hiện, công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô gặp khó khăn, kết quả thu giảm dần. Việc tổ chức thu ở cấp xã, phường, thị trấn chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe mô tô trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách. Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô từ ngày 1-1-2016. Do vậy, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất không điều chỉnh mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trong dự thảo Nghị quyết. Việc thu phí tiếp tục được thực hiện theo Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 20-9-2013 của UBND tỉnh. Sau khi Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan có quy định và hướng dẫn mới, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định cụ thể.
Những nghị quyết được đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thể hiện tính dân chủ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong việc bàn bạc, quyết định các vấn đề quan trọng của xã hội, làm cho nghị quyết hoàn thiện, sát thực tiễn và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong thực tế, ít có dự thảo Nghị quyết nào đã trình ra kỳ họp HĐND mà không được thông qua. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ khóa XII, còn những nội dung chưa được trình tại kỳ họp so với dự kiến ban đầu, đó là Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc đề nghị thông qua Đề án đặt tên các tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2013-2016; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo năm 2013. Đây là những nội dung đã được chuẩn bị kỹ song là nội dung bổ sung, chưa kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để bàn, cho ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh. Chính vì vậy, các nội dung này được để lại để trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ bàn, cho ý kiến và trình HĐND tỉnh vào kỳ họp sau.
P.V: Giám sát là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của HĐND. Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác giám sát của HĐND tỉnh và công tác kiểm tra sau giám sát?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Về cơ bản các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát đã triển khai thực hiện, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh. Hiệu quả và tác động từ hoạt động giám sát đã góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng còn một số kiến nghị, đề nghị sau giám sát của HĐND chậm được giải quyết. Đây là những vấn đề có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành và cần có thời gian để giải quyết từng bước. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân cũng là do nhận thức của một số ngành, địa phương về hoạt động của HĐND và bộ máy chính quyền các cấp chưa đầy đủ. Quy định của pháp luật hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của HĐND hiện nay còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới như: giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và các ý kiến kiến nghị của cử tri còn hạn chế; việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa thường xuyên... đã dẫn đến hiệu quả giám sát chưa cao. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là do cơ chế hoạt động của HĐND, chưa có Luật về giám sát của HĐND nên chưa có cơ sở pháp lý đủ mạnh và hữu hiệu trong hoạt động giám sát. Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động báo cáo việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Thường trực, các Ban HĐND sau giám sát.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát trong thời gian tới HĐND tỉnh tiếp tục phát huy hoạt động giám sát theo hướng chuyên sâu, thiết thực, tiếp tục quan tâm kiểm tra kết quả thực hiện nội dung kiến nghị sau giám sát. Đây là một hoạt động thường xuyên cơ quan giám sát cần thực hiện. Đối với những kiến nghị đã đến thời hạn giải quyết, cơ quan chủ trì cuộc giám sát có thể gửi công văn đôn đốc, yêu cầu báo cáo hoặc tổ chức tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Để làm được việc này, phải tổ chức theo dõi, tổng hợp các nội dung đã kết luận, các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực và các ban HĐND. Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Văn phòng và các cơ quan chức năng theo dõi, cập nhật các kiến nghị, thường xuyên rà soát việc thực hiện các kiến nghị đó của các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành. Những kiến nghị chưa được thực hiện, HĐND sẽ có văn bản nhắc nhở hoặc tổ chức tái giám sát.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!