Ngành Ngoại giao, với vai trò nòng cốt và tiên phong trong công tác đối ngoại, đã đưa Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Kể từ khi chính thức thành lập (tháng 12-2009) đến nay, Sở Ngoại vụ đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được giao trên các lĩnh vực: Ngoại giao kinh tế, văn hóa và ngoại giao nhân dân, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng quan hệ hợp tác và thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập quốc tế. Những năm gần đây, cùng với xu hướng hội nhập và phát triển, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần duy trì, giữ vững và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh ta với các địa phương nước ngoài. Qua đó nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh trong khu vực và trên trường quốc tế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quảng bá sâu rộng hình ảnh về đất và người Thái Nguyên đến với bạn bè quốc tế.
Chặng đường hơn 5 năm qua, với vai trò là cơ quan đầu mối, Sở Ngoại vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh hợp tác có hiệu quả với 6 địa phương nước ngoài, trong đó thường xuyên giữ mối quan hệ với 4 địa phương gồm: Tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc); tỉnh Luông Pha Băng (CHDCND Lào); thành phố Linkoping (Thụy Điển) và thành phố Salo (Phần Lan). Qua các chương trình hợp tác đã thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng liên doanh liên kết, học tập ngôn ngữ và giao lưu văn hóa. Thông qua hợp tác của chính quyền đã tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp bước đầu đầu tư ra nước ngoài để phát triển. Từ năm 2010 đến hết năm 2014, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức đón tiếp và làm việc với 93 đoàn khách quốc tế (bao gồm các công ty, tập đoàn kinh tế nước ngoài và các địa phương nước ngoài); 39 đoàn Đại sứ quán; 132 đoàn công tác của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến thăm, làm việc, triển khai các dự án và tìm hiểu cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Công tác đối ngoại nhân dân và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cũng là một kênh quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế của tỉnh. Trong 5 năm qua, Sở Ngoại vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập 5 Hội hữu nghị gồm: Việt - Lào, Việt - Đức, Việt - Nga, Việt - Campuchia và Việt - Hàn. Hoạt động của các Hội hữu nghị góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Thái Nguyên và nhân dân các nước, đóng góp thiết thực cho công tác đối ngoại và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong nhiều năm qua, công tác tiếp nhận, quản lý viện trợ phi chính phủ của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được duy trì và phát triển. Đến nay, tỉnh đã và đang có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tại Việt Nam với tổng số vốn viện trợ hàng năm từ 3 đến 5 triệu USD. Từ số lượng 5 - 6 tổ chức vào những năm 1995 - 1996, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có quan hệ với 56 tổ chức PCPNN như: AP, Plan tại Việt Nam, Allianz-Mission, CWS, EMWF, Ford Foundation, Orbis, VNAH, Global Fund, PSI, John Hopkins, Pathfinder International, Cordaid, CFIE, Hand of Hope, Hands Agency, PC,... trong đó có 25 tổ chức hiện đang có quan hệ trực tiếp với tỉnh. Ngoài ra, Sở Ngoại vụ đã tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương, vận động viện trợ từ các tổ chức quốc tế, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn các ngành, đơn vị trong tỉnh tham gia triển khai các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Các dự án hoạt động chủ yếu ở những lĩnh vực: Giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển nông thôn, chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, bạo lực gia đình... Tính từ năm 2010 đến hết tháng 6-2015, tổng giá trị giải ngân ước đạt trên 20 triệu USD và giá trị giải ngân nguồn vốn viện trợ phi chính phủ hàng năm đạt khoảng 70-120 tỷ đồng. Các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài được thực hiện trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, trợ giúp trực tiếp cho người dân trong vùng dự án, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ cũng thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại với mục tiêu quảng bá hình ảnh của tỉnh và kết nối với cộng đồng người nước ngoài tại Thái Nguyên. Sở Ngoại vụ đã xuất bản định kỳ cuốn “Bản tin đối ngoại Thái Nguyên”. Nội dung của các Bản tin tuyên truyền đậm nét về công tác đối ngoại của tỉnh thông qua nhiều chuyên mục phong phú, đa dạng phản ánh các hoạt động đối ngoại của tỉnh.
Ngoại giao kinh tế thời gian qua đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai chủ động, nhạy bén và tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ quá trình phát triển của tỉnh. Với vai trò cơ quan đầu mối, Sở luôn nỗ lực xúc tiến và kết nối các ngành liên quan nhằm phát huy lợi thế của trụ cột ngoại giao này, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Thái Nguyên đã có những bước chuyển mình quan trọng trong phát triển kinh tế, trở thành một địa phương năng động. Tỉnh được đánh giá là một trong những địa phương hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI trong năm 2013 và năm 2014 vừa qua. Tính đến hết tháng 6-2015, trên địa bàn tỉnh có 78 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 7 tỷ USD. Một trong những tác động tích cực nhất của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tới nền kinh tế của tỉnh là việc giải quyết việc làm cho người lao động. Con số người lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI tính hết năm 2014 là gần 40.000 người. Đối với tổng vốn theo Hiệp định ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 144 tỷ đồng, bằng 68,7% kế hoạch giải ngân cả năm. Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2014 đạt trên 7,9 tỷ USD, đạt mức tăng kỷ lục 31,22% (tương ứng tăng hơn 7,68 tỷ USD) so với năm trước.
Có thể nói, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây có sự đóng góp rất lớn từ hiệu quả hoạt động đối ngoại, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Môi trường đầu tư thuận lợi và quan hệ hợp tác bền vững đã tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, để lại ấn tượng sâu sắc về hình ảnh một tỉnh Thái Nguyên mến khách, hiện đại và văn minh.