Điểm nhấn quan trọng để Phổ Yên trở thành thị xã

16:26, 17/08/2015

Sau hơn 4 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết xây dựng Phổ Yên trở thành thị xã công nghiệp, đến nay, bộ mặt của thị xã trẻ năng động đã thực sự hiện hữu và trở thành cực kinh tế quan trọng phía Nam của tỉnh. Một trong những yếu tố giúp Phổ Yên về đích sớm chính là địa phương đã tận dụng tối đa được lợi thế vị trí địa lý, công khai cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính nhằm chủ động thu hút đầu tư.

Phổ Yên nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, với chức năng là trung tâm tổng hợp về công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đầu mối giao thông có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phía Nam của tỉnh và là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa của tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. 5 năm qua, Phổ Yên đã thu hút 62 dự án mới vào đầu tư trên địa bàn đưa tổng vốn đầu tư lên trên 225 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là sự hiện diện của Tập đoàn Samsung - Hàn Quốc, với số vốn đầu tư 6,5 tỷ USD. Giai đoạn 1 của Dự án đã đi vào sản xuất, tạo sự phát triển đột phá về kinh tế. Điều đó đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP năm 2014 đạt 152%, mức tăng kỷ lục từ trước đến nay của Phổ Yên, tốc độ cơ cấu kinh tế được chuyển dịch mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng được đầu tư, thương mại dịch vụ phát triển đã kéo theo sự thay đổi đáng kể đời sống của đại bộ phận người dân.

 

Để đạt được những kết quả vượt bậc như vậy là nhờ Phổ Yên triển khai thực hiện những giải pháp cơ bản như: Hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ đều họp, bàn, ban hành Nghị quyết về mục tiêu nhiệm vụ năm để lãnh đạo chỉ đạo HĐND, UBND cùng các chi, Đảng bộ trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện. Năm 2011, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã có Nghị quyết số 09-NQ/HU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng và phát triển huyện thành thị xã công nghiệp vào năm 2015. Đây là nội dung quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra, nhất là nhiệm vụ Phổ Yên xây dựng và phát triển thành thị xã và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Phổ Yên tiếp tục tập trung thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tính đến thời điểm này, Phổ Yên đã quy hoạch và được phê duyệt 12 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt; quy hoạch Tổ hợp công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình với diện tích 8.300 ha, trong đó Phổ Yên là 5.000ha; quy hoạch thị trấn Ba Hàng mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4; quy hoạch nông thôn mới.

 

Song song với đó, công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục được Phổ Yên xác định là khâu đột phá để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị. Từ năm 2010 đến nay, Phổ Yên đã giải phóng mặt bằng gần 1.000ha, liên quan đến gần 5.400 lượt hộ dân, tập trung vào các dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thuỵ, Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nút giao Yên Bình, mở rộng Quốc lộ 3 cũ, các khu dân cư đô thị… Trong giải phóng mặt bằng, Phổ Yên đã tập trung lãnh đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về giải phóng mặt bằng; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

 

Cùng với giải phóng mặt bằng, Phổ Yên còn tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hoàn thiện các quy định pháp lý, xây dựng các cơ chế chính sách, đổi mới hoạt động hợp tác đầu tư. Công khai cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đến khảo sát địa điểm đầu tư, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính ban đầu để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư cho các nhà đầu tư.

 

Trong thời gian tới, Phổ Yên tiếp tục tập trung cao vào công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư để chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao các tiêu chí xây dựng đô thị; thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng ưu tiên những ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thu hút nhiều lao động như điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản và phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập...