Cách đây tròn 70 năm, ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua Nghị quyết về công tác giao thông liên lạc: “Lập Ban Giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ”. Đây là một sự kiện quan trọng, là mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam. Với ý nghĩa đó, ngày 15-8 đã trở thành Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam.
70 năm qua, ngành Bưu điện đã trải qua những chặng đường đầy gian lao nhưng rất vinh quang, với các tên gọi khác nhau: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (1990), Bộ Bưu chính - Viễn thông (2002), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (2006), Bộ Thông tin - Truyền thông (2007)... Tuy nhiều lần đổi tên nhưng ngành Bưu điện vẫn thống nhất về chức năng, nhiệm vụ là bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Với tinh thần 10 chữ vàng truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình”, ngành Bưu điện Việt Nam luôn đổi mới tư duy, công nghệ, cơ cấu đầu tư, quản lý và đào tạo nguồn nhân lực, sáng tạo trong lao động sản xuất… Nhờ vậy, ngành đã xây dựng được hệ thống thông tin quốc gia có công nghệ hiện đại, đồng bộ, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới với hệ thống các dịch vụ bưu chính - viễn thông đa dạng, tiên tiến.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), tách hạch toán độc lập giữa Bưu chính và Viễn thông cũng như nâng cao vị thế của những người làm Bưu chính, năm 2008, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam được ra đời, trực thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam. Đến nay, Tổng Công ty đã thu được những thành tựu đáng kể với gần 15.000 điểm giao dịch công cộng, bán kính phục vụ 2,43km/điểm, hệ thống đường thư đến với mọi miền đất nước và quốc tế, kết hợp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu trong dây chuyền SXKD, tạo nên một mạng lưới bưu chính lớn và hiện đại.
Hòa chung trong dòng thời gian lịch sử, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của Ngành. Sau khi thực hiện phương án đổi mới quản lý, khai thác, kinh doanh bưu chính - viễn thông trên địa bàn tỉnh, kể từ ngày 1-1-2008, Bưu điện tỉnh tách thành hai đơn vị: Viễn thông Thái Nguyên (trực thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam) và Bưu điện tỉnh (trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam). Mỗi đơn vị có chức năng riêng nhưng đều vì mục đích chung với ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Từ những ngày đầu thành lập, trong khó khăn chồng chất của việc chia tách giữa hai khối Bưu chính - Viễn thông, tập thể cán bộ, công nhân viên chức Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã đoàn kết, nhanh chóng ổn định tổ chức, đẩy mạnh hoạt động SXKD. Nhờ đó, hàng năm đơn vị đều hoàn thành kế hoạch được giao, nộp ngân sách Nhà nước đầy đủ, đảm bảo đúng chế độ chính sách. Nhiều dịch vụ mới được tổ chức triển khai và phát triển có hiệu quả, giữ vững và tăng trưởng các dịch vụ bưu chính truyền thống, công tác thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan của Đảng, chính quyền các cấp được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh...
Trong năm 2015, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Doanh thu phát sinh đạt trên 80 tỷ đồng (tăng 39% so với năm 2014); doanh thu tính lương đạt trên 45 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2014); nhóm dịch vụ bưu chính chuyển phát đạt trên 20 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2014); nhóm dịch vụ tài chính bưu chính đạt trên 21 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2014); nhóm dịch vụ phân phối truyền thông đạt trên 40 tỷ đồng (tăng 76% so với năm 2014). Để thực hiện tốt các mục tiêu, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Bảo đảm an toàn thông tin bưu chính phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân; tập trung mọi nguồn lực trong phát triển dịch vụ, tăng cường công tác hỗ trợ trực tiếp, thúc đẩy kinh doanh tại các thị trường trọng điểm, các khu công nghiệp…
Với Viễn thông Thái Nguyên, sau hơn 7 năm hoạt động đã thích ứng với cơ chế mới, phát triển bền vững về viễn thông - công nghệ thông tin, tạo niềm tin cho khách hàng. Trong năm 2015 này, VNPT Thái Nguyên tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Triển khai hiệu quả mô hình sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Tập đoàn; tập trung kinh doanh các dịch vụ có thế mạnh như di động, băng rộng, truyền hình cáp MyTV, dịch vụ data, giá trị gia tăng, đặc biệt là các giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin theo từng phân khúc khách hàng và từng khu vực; tiếp tục tăng cường phát triển, mở rộng hệ thống điểm bán, đại lý, cộng tác viên đảm bảo mạng lưới bán hàng, cung cấp dịch vụ rộng khắp, tiện lợi; tiếp tục thực hiện tối ưu hóa mạng lưới nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất sử dụng của hạ tầng mạng và thiết bị...
Những kết quả Ngành đạt được thời gian qua là rất đáng tự hào, song trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Từ đó đặt ra cho mỗi cán bộ, công nhân viên chức trong Ngành nhiệm vụ phải ra sức lao động, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần quyết tâm cao nhất, đưa sự nghiệp bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đồng bộ và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới…