Thủy lợi là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với toàn ngành Nông nghiệp và PTNT. Với vai trò đó, những năm qua ngành Thủy lợi Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đảm bảo duy trì và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, góp phần cho mùa màng bội thu.
Trở lại lịch sử cách đây tròn 70 năm, khi mới thành lập, ngành Thủy lợi Thái Nguyên được tiếp quản hệ thống thủy lợi do chế độ cũ để lại, chủ yếu là những công trình nhỏ, đơn giản, năng lực phục vụ tưới tiêu thấp. Trong suốt những năm kháng chiến, ngành Thủy lợi đã cùng với quân dân trong tỉnh và cả nước vừa đánh giặc vừa đảm bảo xây dựng các công trình thủy lợi có quy mô lớn. Trong đó, đáng chú ý có công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc, không chỉ tích nước phục vụ tưới tiêu, thủy điện mà còn là một danh thắng nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan. Trong suốt 7 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ những người làm thủy lợi Thái Nguyên đã đổ mồ hôi, công sức, trí, lực và xương máu của mình nối tiếp nhau xây dựng truyền thống vẻ vang của toàn ngành. Từ đó, đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu phục vụ cho sản xuất và chiến đấu, cho xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh và đất nước.
Phát huy truyền thống đó, những năm gần đây ngành Thủy lợi Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc. Các công trình thủy nông quy mô lớn được đầu tư xây dựng và nâng cấp, hệ thống tưới tiêu được xây mới và tu bổ thường xuyên đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của toàn ngành. Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh thì hiện nay toàn tỉnh có trên 1.214 công trình thủy lợi lớn, nhỏ. Trong đó có 413 hồ chứa nước, 409 đập dâng kiên cố, 109 công trình phai đập, 283 công trình trạm bơm tưới. Khối lượng công trình thủy lợi đồ sộ đó hiện tại đang cung cấp nước tưới đảm bảo cho 94.116ha đất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý, diện tích tưới cho lúa là trên 66.000ha, tưới cho cây trồng khác là trên 28.000ha. Ngoài ra, các công trình thủy lợi cũng chủ động tiêu úng cho khoảng 1.555ha lúa hàng năm.
Trong 5 năm trở lại đây, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, lượng vốn đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn là tương đối lớn, khoảng 1.750 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu là 750 tỷ đồng. Nhờ có hệ thống công trình thủy nông đảm bảo, cộng với các biện pháp thuỷ lợi, biện pháp nông nghiệp khác nên thời gian gần đây, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh tăng đáng kể. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2014 sản lượng lương thực có hạt của tỉnh là 448.080 tấn, tăng cả nghìn tấn so với những năm trước; cây hàng năm khác như: Khoai lang, sắn, đỗ tương, lạc, rau các loại cũng đều tăng mạnh...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh cho biết: Để đạt được những thành tích như vậy trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, cùng sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành Thủy lợi và sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội và nhân dân trong tỉnh.
Từ nay đến năm 2020, theo định hướng của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh thì lĩnh vực Thủy lợi tiếp tục tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, sẽ tận dụng tối đa năng lực các công trình hiện có, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn bên ngoài mở rộng các hình thức đầu tư để phát triển thủy lợi một cách đa dạng hơn. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng, tiếp tục đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong ngành; kiện toàn tổ chức, phương án sản xuất, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày một cao của ngành trong thời kỳ mới...
Ngày 28-8-1945 Bộ Giao thông công chính được thành lập theo tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Bộ Giao thông công chính lúc bấy giờ là một bộ đa ngành. Một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ lúc đó là hộ đê, chống lụt và khai thác thủy nông. Sau này, ngày 28-8 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của ngành Thủy lợi Việt Nam.