Một số vấn đề "nóng" được đưa ra thảo luận

20:00, 25/08/2015

Tại buổi thảo luận tổ chiều 25-8, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào các báo cáo tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Trong đó, không ít nội dung được đưa ra phân tích, mổ xe, nhiều vấn đề đang được cử tri quan tâm được phản ánh. Báo Thái Nguyên Điện tử lược ghi một số ý kiến tại các tổ thảo luận.

Tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chưa đồng đều

 

Đại biểu Nguyễn Đức Minh (Đoàn Phổ Yên) và một số đại biểu phân tích: Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 26,6%, mức kỷ lục từ trước đến nay của tỉnh và chắc không có địa phương nào trong cả nước đạt được. Tuy nhiên, đóng góp phần lớn lại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó chủ yếu từ nhà đầu tư Samsung. Khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 1,1%, dịch vụ cũng chỉ giữ mức khiêm tốn trên 2%. Trong lĩnh vực công nghiệp thì công nghiệp trong nước chỉ chiếm 8%, còn lại là công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh: Nếu không có đóng góp từ Samsung thì chắc chắn chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh ta sẽ không đạt. Về nội dung này, một số đại biểu cũng cho rằng, cần phải quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho khu vực kinh tế trong nước bởi khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Cần có phương án giải quyết nợ của doanh nghiệp

 

Tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ thuế và nợ đọng lương của người lao động, nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc. Đại biểu Lưu Văn Toán (Đoàn Đại Từ) cho rằng, ngoài công bố nợ của doanh nghiệp, cần phải có phương án xử lý, thu hồi nợ vì nợ thuế sẽ làm thất thoát ngân sách, nợ bảo hiểm, nợ lương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động. Đại biểu Nguyễn Văn Tiệu (Đoàn Võ Nhai) chia sẻ, doanh nghiệp nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội sẽ khiến người lao động không được thanh toán các chế độ. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Phổ Yên) đề nghị, việc thân thiện, đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết, song đối với những trường hợp chây ỳ, nợ kéo dài cũng phải có biện pháp xử lý dứt điểm.

 

Ô nhiễm môi trường đang gây bức xúc trong dư luận

 

Đại biểu Cù Xuân Thu (Đoàn Phổ Yên) cho biết: Trong các lần tiếp xúc gần đây, cử tri một số xã, phường của T.X Phổ Yên bức xúc phản ánh về tình trạng rác thải từ một số nhà máy trong Khu công nghiệp Yên Bình thuê xe ô tô xả trộm bừa bãi ra ruộng, ao, suối gây ô nhiễm môi trường. Vào ban đêm tại khu vực này cũng thấy xả khí thải có mùi khó chịu. Nhân dân hoang mang không biết trong khí thải có tỷ lệ độc hại như thế nào? Có ý kiến về môi trường sản xuất công nghiệp, đại biểu Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Phổ Yên) và một số đại biểu khác cho rằng, một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh đang có những tác động xấu về môi trường khiến người dân bức xúc. 

 

Còn tồn tại trong cấp điện ở nông thôn

 

Đại biểu Dương Văn Lành (Đoàn Đồng Hỷ) thông tin, theo kế hoạch, tỉnh ta phải cấp điện đến 56 xóm, bản chưa có điện nhưng hiện nay mới thực hiện được 28 xóm, bản. Bên cạnh đó, nhiều khu vực chất lượng điện yếu ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trách nhiệm này Sở Công Thương và Công ty Điện lực Thái Nguyên phải giải trình rõ với cử tri. Cũng về vấn đề cấp điện, đại biểu Vi Thị Chung (Đoàn Đại Từ) cho biết, tình trạng điện yếu vẫn diễn ra ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Hiện, toàn tỉnh còn 28 hợp tác xã điện năng chưa bàn giao cho ngành Điện quản lý nên người dân vẫn phải chịu giá điện cao, hạ tầng không được đầu tư dẫn đến điện yếu. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì hết năm 2015 này mà chưa bàn giao các hợp tác xã điện thì ngành Điện sẽ không tiếp nhận nữa và như thế người dân một số nơi vẫn cứ khổ vì điện yếu.

 

Giải trình nhiều, giải quyết mức độ

 

Đại biểu Lương Trung Hà (Đoàn Phú Lương) cho rằng: Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp HĐND tỉnh chủ yếu là giải trình nhiều, giải quyết rất mức độ. Đề nghị UBND tỉnh cần giao cho cơ quan chuyên môn chuyên theo dõi việc giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri, 6 tháng, 1 năm phải có đánh giá lại đã giải quyết các vấn đề đến đâu. Thực tế, tại nhiều kỳ họp có những ý kiến mà kỳ họp nào cũng đưa ra nhưng không giải quyết dứt điểm…

 

Vì sao một số chỉ tiêu thu ngân sách không đạt?

 

Ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế (Đại biểu mời) làm rõ một số nội dung có liên quan đến việc chỉ tiêu thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và địa phương 3 năm gần đây, thu phí, lệ phí 2 năm gần đây đều không đạt chỉ tiêu giao. Nguyên nhân do nền kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn đều chịu sự tác động rất lớn từ sự suy thoái này. Một số doanh nghiệp lớn có số thu giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến từng chỉ tiêu thu của tỉnh. Năm 2014 và 8 tháng của năm 2015, kết quả thu ngân sách của tỉnh tuy đạt cao nhưng chủ yếu là nhờ vào nguồn thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng 8 tháng của năm 2015, nguồn thu từ khu vực này đã lên tới 1.500 tỷ đồng (chủ yếu là của Nhà máy Samsung Thái Nguyên). Cùng với nguồn thu này, chỉ tiêu thu thuế thu nhập cá nhân cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, đây lại là những nguồn thu không bền vững. Các nguồn thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và địa phương năm 2015 dự kiến không có gì đột biến, cũng chỉ đạt kế hoạch ở mức trung bình.

 

Về giao thêm biên chế cho ngành Y tế

 

Về vấn đề trên 400 biên chế được giao chưa thực hiện được, lại đề nghị giao bổ sung 175 biên chế của ngành Y tế, ông Nguyễn Vi Hồng, Giám đốc Sở Y tế (Đại biểu mời) cho biết, tính đến thời điểm 30-6-2015, ngành Y tế còn 447 biên chế chưa thực hiện được mà vẫn đề nghị bổ sung biên chế sự nghiệp năm 2015 là bởi: Theo phân cấp, Sở Y tế chỉ quản lý bệnh viện hạng 3, các bệnh viện hạng 1 và 2 công tác tuyển dụng thuộc thẩm quyền của giám đốc bệnh viện. Về cơ bản, các bệnh viện hạng 3 thuộc Sở Y tế quản lý đã tuyển dụng kịp thời theo chỉ tiêu giao. Đến thời điểm này, 4 cơ sở y tế đã tuyển được 110 bác sĩ và các ngạch khác. Các bệnh viện còn lại chưa tuyển được là do không có nguồn, hiện nay các đơn vị này vẫn đang trong quy trình thực hiện xét tuyển. Đối với 175 biên chế đề nghị giao bổ sung là do 11 cơ sở y tế của tỉnh tăng 200 giường bệnh. Căn cứ vào Thông tư số 08/2007/TTLB-BYT-BNV Thông tư liên bộ Y tế và Nội vụ về định mức sự nghiệp biên chế trong các cơ sở Nhà nước thì tăng 200 giường bệnh tương đương với 235 biên chế. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ chỉ phê duyệt cho 175 biên chế. Căn cứ số lượng biên chế đã được Bộ Nội vụ duyệt, Sở Y tế đã giao cho các đơn vị trực thuộc đã được tăng giường bệnh năm 2014.

 

Một số nội dung đáng quan tâm khác

 

* Một số đại biểu cho rằng: Việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng tỉnh là giải pháp có ý nghĩa quan trọng cho phát triển lâu dài, để huy động tổng hợp các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức tín dụng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp. Các đại biểu ủng hộ việc thành lập Quỹ này và giao cho Quỹ phát triển nhà đất quản lý. Tuy nhiên, khi đã hình thành Quỹ, UBND tỉnh cần xây dựng cơ chế điều hành quỹ như thế nào, phải có hội đồng tư vấn, thẩm định để giúp UBND tỉnh bảo lãnh cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi, phát huy hiệu quả nguồn vốn trong đầu tư vào các dự án và thu hồi được nguồn vốn.

 

* Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi (Đoàn Đồng Hỷ) cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 590 ngày 11-3-2011 về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia 2011-2015 trong đó có nêu về dự kiến cơ chế đối ứng xây dựng cơ bản của tỉnh là 65%, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kinh phí để đầu tư theo kế hoạch. Ngoài ra, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ theo quyết định phê duyệt phổ cập mầm non 5 tuổi đến thời điểm này cũng chỉ đạt trên 50%, nguồn vốn kiên cố hoá trường lớp mới đạt 60%. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, có giải pháp cụ thể tăng cường nguồn vốn hỗ trợ xây dựng, cải tạo trường, lớp.

 

* Đại biểu Dương Xuân Hùng (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằng, trong báo cáo về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới, ở tiêu chí 12 đưa ra "Số người lao động có việc làm tăng thêm bình quân hàng năm 15.000 người…" là không hợp lý, chỉ có thể là tạo việc làm mới bình quân hàng năm cho 15.000 người và nên nói rõ là cho người dân trên địa bàn tỉnh. Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Đoàn T.P Thái Nguyên), việc đưa ra chỉ tiêu 8% học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú là không khả thi. Vì qua khảo sát, giám sát cho thấy, hiện nay, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú mới đạt 5,65%.