Một trong những nội dung quan trọng của ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XII là các đại biểu thực hiện quyền chất vấn và nghe giải trình của các ngành. Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đã thẳng thắn đi vào những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến chất vấn và trả lời, giải trình của lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan.
Đại biểu Dương Xuân Hùng, đoàn T.P Thái Nguyên chất vấn: 52 hộ dân đã cư trú trên 30 năm tại tổ 23, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên đề nghị được cấp quyền sử dụng đất nhiều lần nhưng vẫn chưa được cấp nên họ không thể cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà cửa, đề nghị UBND tỉnh cho biết hướng giải quyết vấn đề trên?
Đ/c Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Khu đất ở 52 hộ dân được thanh lý từ năm 1979. Về nguồn gốc sử dụng đất của các hộ trên là do mua lại nhà thanh lý, đến nay, các cơ quan này chưa có văn bản trả đất nên hiện nay vẫn là đất chuyên dùng.
Lãnh đạo UBND tỉnh đã giao cho UBND T.P Thái Nguyên phối hợp với các ngành của tỉnh xem xét, có văn bản trả lời đơn đề nghị của các hộ dân. Theo báo cáo của UBND T.P Thái Nguyên, thì khu đất của 52 hộ trên không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định. Vì vậy, không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để giải quyết nội dung trên, UBND tỉnh giao UBND T.P Thái Nguyên và các đơn vị liên quan sắp xếp bố trí quỹ đất tái định cư, ổn định đời sống cho 52 hộ dân nêu trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Huyền, đoàn Đồng Hỷ chất vấn: Những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri có nêu, thủ tục quyết toán kinh phí hỗ trợ sản xuất còn phức tạp, rườm rà, nhiều bảng biểu người dân khó hiểu. Đề nghị ngành chức năng đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Đ/c Vũ Mạnh Phú, Giám đốc Sở Tài chính trả lời: Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho các hộ dân công tác quản lý kinh phí nếu không làm chặt chẽ sẽ gây thất thoát. Vì thế, thủ tục thanh quyết toán phải làm rất chặt chẽ. Người dân chỉ cần ký vào đơn, biên bản nghiệm thu và giấy lĩnh tiền là đủ. Còn thủ tục quyết toán từ người dân, đến xóm, xã, huyện, tỉnh phải theo đúng các bước quy định. Để đảm bảo việc thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp thuận lợi, tới đây Sở Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng hướng dẫn thủ tục quyết toán, kinh phí hỗ trợ sản xuất cụ thể hơn nữa để thực hiện thanh, quyết toán theo quy định.
Đại biểu Lê Văn Tâm, đoàn T.P Thái Nguyên chất vấn: Dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh rất nhiều bất cập như: Tiến độ thi công rất chậm, gây ùn tắc giao thôngvà gây ra một số vụ tai nạn giao thông. Việc hoàn trả mặt bằng sau thi công rất kém. Đề nghị nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện và cho biết thời gian thực hiện đến khi nào kết thúc. Giải pháp của ngành để thực hiện dự án trong thời gian tới.
Đ/c Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Tiến độ chậm và kéo dài nhiều năm một phần là do kỹ thuật phải đặt ống thoát nước thải dưới lòng đường theo thiết kế chiều sâu từ 1,4 đến 6m, địa chất phức tạp, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông đi lại, do đó, quá trình thi công rất khó khăn, không tránh khỏi ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt của người dân một phần là do đơn vị thi công phải nghỉ Tết Nguyên đán (trước và sau Tết 1 tháng), các ngày lễ và các sự kiện quan trọng của tỉnh. Thêm đó là thủ tục xin giấy phép cắt đường thi công phải lập 300m/bộ hồ sơ rất khó khăn, vốn đối ứng chưa bố trí kịp thời, không đảm bảo theo kế hoạch, nhất là khi đồng loạt triển khai các gói thầu xây lắp. Để tháo gỡ khó khăn trên, Sở Xây dựng, UBND T.P Thái Nguyên và các ngành đã họp thống nhất việc cấp phép cắt đường theo tuyến thi công và quản lý theo đoạn để giảm thời gian làm thủ tục hành chính.
Việc hoàn trả mặt bằng sau thi công theo thiết kế ban đầu với vật liệu đất, điều kiện thời tiết, độ ẩm lớn, mưa kéo dài, do đó không đảm bảo tiến độ, độ chặt của nền đường làm ảnh hưởng đến giao thông và chất lượng đoạn đường hoàn trả chưa đảm bảo.
Với tránh nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, Sở và các đơn vị liên quan đã tổ chức đánh giá tiến độ chất lượng, biện pháp thi công và đi đến thống nhất về giải pháp kỹ thuật. Việc hoàn trả được thay đổi bằng vật liệu như cát, đá cấp phối (không dùng đất tận dụng như thiết kế ban đầu). Sử dụng kè chống sụt lún và thi công từng đoạn ngắn từ 30 đến 50m tùy đặc thù từng địa điểm, đã giảm tối đa được sụt lún, tuy nhiên, việc đào đắp cống và lòng đường chưa thể đạt mỹ thuật như ban đầu. Về tiến độ theo kế hoạch, trạm xử lý nước thải thi công, dự kiến đến 15-12-2015 hoàn thành việc xây lắp. Các trạm bơm chuyển động hoàn thành trong tháng 12-2015. Các tuyến ống, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5-2016.
Đại biểu Hoàng Văn Nam, đoàn Đại Từ chất vấn: Đoạn đường tránh dự án Núi pháo được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2015. Tuy nhiên khi đưa vào sử dụng đã bộc lộ rất nhiều bất cập: Độ dốc lớn, có 3 đoạn đường có độ dốc 8%, các đoạn dốc này khá gần nhau gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Mái taluy cao, độ dốc rất lớn, có thể gây sạt lở bất cứ lúc nào nhất là trong mùa mưa bão. Hiện nay, vẫn còn một số dân sinh sống sát chân taluy, đường nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ, khi mưa nước chảy mạnh sẽ gây nguy hại cho người và tài sản của nhân dân. Đề nghị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đưa ra giải pháp gì để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.
Đ/c Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GTVT trả lời: về các tồn tại, hạn chế như đại biểu nêu trên, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về Giao thông vận tải, Sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Núi Pháo nghiên cứu xây dựng, bổ sung đường dân sinh dành cho người đi bộ và xe thô sơ tránh những đoạn có độ dốc lớn. Đề nghị UBND huyện Đại Từ khẩn trương chỉ đạo giải phóng mặt bằng những điểm còn vướng mắc để tiếp tục đào bạt taluy, đảm bảo độ dốc theo thiết kế. Sở GTVT cùng UBND huyện Đại Từ và Công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Núi Pháo đã có buổi làm việc tiếp tục bàn giải quyết các tồn tại nêu trên. Sau khi trao đổi, Sở đã có văn bản báo cáo HĐND, UBND tỉnh để tiếp tục giải quyết những tồn tại nêu trên.
Về tiếp tục giải quyết kiến nghị của cử tri, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Núi Pháo nghiên cứu xây dựng đường dân sinh cho xe thô sơ để tránh những đoạn đường dốc 8%. Về vấn đề mái taluy cao có thế gây sạt lở, đề nghị UBND huyện Đại Từ khẩn trương giải phóng mặt bằng dứt điểm các vị trí vướng mặt bằng để Sở GTVT triển khai đào bạt, mở rộng mái taluy theo thiết kế, đảm bảo an toàn tránh sạt lở cho công trình trong quá trình khai thác sử dụng. Về những hộ dân sống sát chân taluy, đề nghị huyện Đại Từ vận động người dân phối hợp với Công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Núi Pháo, đơn vị thi công cắm cọc mốc lộ giới hành lang đường bộ, không để các hộ xây dựng trái phép, kiên quyết xử lý các hộ xây dựng trái phép trên đất hành langgiao thông.
Ngoài các ý kiến chất vấn nêu trên, trong buổi thảo luận tổ chiều ngày 25-8, các đại biểu cũng yêu cầu các ngành giải trình làm rõ nhiều vấn đề:
Vẫn còn hiện tượng xe quá tải hoạt động
Giải trình về tình trạng xe quá tải vẫn diễn ra, đồng chí Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, duy trì chế độ hoạt động liên tục của các trạm cân tải trọng xe trên địa bàn tỉnh. Qua việc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, chủ phương tiện đã thay đổi nhận thức, tự giác cắt, tháo dỡ thành, thùng xe phần vi phạm, tình trạng xe quá tải hoạt động đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, mạng lưới đường tỉnh, liên thôn, xã dày đặc, lực lượng chức năng mỏng nên vẫn còn một số xe lén lút hoạt động, né tránh trạm cân hoặc hoạt động vào ban đêm, trên những tuyến đường lực lượng chức năng ít kiểm tra. Để xử lý triệt để vấn đề này, thời gian tới, ngoài việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, Sở Giao thông - Vận tải đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các địa phương tích cực vào cuộc, tăng cường các giải pháp, kiểm soát tải trọng xe từ cơ sở.
Vì sao điện yếu và một số thôn, bản chưa có điện
Về việc một số cử tri phản ánh tình trạng điện yếu, nhất là vào giờ cao điểm đồng chí Dương Thái Sơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên giải trình: Khi Công ty Điện lực Thái Nguyên tiếp nhận, hiện trạng lưới điện hạ áp nông thôn cũ nát, gây mất an toàn và chất lượng điện kém. Trước tình hình đó, Điện lực Thái Nguyên đã huy động mọi nguồn vốn nâng cấp, cải tạo, nâng cao chất lượng điện năng, tổng nguồn vốn huy động cải tạo lưới điện nông thôn giai đoạn 2010-2015 là 701 tỷ đồng. Tuy nhiên, do địa bàn dân cư rộng, nằm rải rác, nguồn lực có hạn nên Điện lực Thái Nguyên chỉ đầu tư từng phần, chưa thể cải tạo toàn bộ, dẫn đến một số khu vực có chất lượng điện yếu. Bên cạnh đó, việc một số nhà máy quy mô lớn hoạt động tại khu công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên), Điềm Thụy (Phú Bình) cũng tiêu thụ lượng điện năng lớn, ảnh hưởng đến chất lượng điện chung của tỉnh. Còn về 28 thôn, bản thuộc các xã vùng cao của tỉnh chưa có điện, Công ty đã phối hợp với Sở Công Thương rà soát, 28 thôn, bản trên thuộc Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên, do Sở Công Thương điều hành, được thực hiện trong 2 giai đoạn 2015-2018, 2018-2020. Do đó, Công ty đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Dự án sớm khởi công xây dựng, Công ty sẽ phối hợp với Ban quản lý Dự án trong khi thi công và tiếp nhận tài sản đưa vào khai thác phục vụ nhân dân.
Về tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH cho người lao động
Phó Giám đốc BHXH tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Thành giải trình: BHXH tỉnh hiện quản lý 3.376 đơn vị sử dụng lao động, với trên 178 nghìn lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc; gần 2.600 người tham gia đóng BHXH tự nguyện; 169 nghìn lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trên 1,1 triệu người tham gia BHYT. Tính đến ngày 31-7, số tiền nợ các loại bảo hiểm của toàn tỉnh là 175 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,91% trên tổng số phải thu. Trong đó các DN, cơ sở kinh tế nợ gần 95 tỷ đồng. Việc nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết các chế độ bảo hiểm của hàng ngàn lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… Có nhiều người đã đủ điều kiện để về hưu nhưng không thể giải quyết được. Để giải quyết tình trạng nợ đọng, chậm đóng các loại bảo hiểm của DN, BHXH đã đưa ra nhiều giải pháp, một trong số đó được cho là tích cực là đã thực hiện việc ký kết các chương trình phối hợp liên ngành với một số đơn vị hữu quan như Công an, LĐLĐ, Ngân hàng Nhà nước, Sở LĐ-TBXH, Cục Thuế, Cục Thi hành án dân sự; ký kết quy chế phối hợp thực hiện trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH, BHTN chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh…