Những cách làm sáng tạo, hiệu quả

21:19, 12/08/2015

Góp phần làm nên kết quả của Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh nhiệm kỳ qua, các chi, đảng bộ trực thuộc đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ và áp dụng nhiều cách làm năng động, sáng tạo.

Chú trọng chất lượng sinh hoạt Đảng

 

Đồng chí Trương Văn Phụng,
Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy,
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải

Đảng bộ Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) hiện có 152 đảng viên sinh hoạt tại 8 chi bộ. Đảng ủy xác định chất lượng sinh hoạt Đảng có vai trò quan trọng trong hoạt động của cấp ủy, nên đã áp dụng giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy. Đó là: 1- Duy trì và thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt mỗi tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng. Đảng ủy đưa nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề lớn của ngành vào các chuyên đề để bàn bạc, thảo luận. Ban Thường vụ, chi ủy và các đồng chí bí thư đã chuẩn bị kỹ nội dung của các cuộc họp, thông báo trước về nội dung, thời gian, địa điểm cho đảng viên biết để chủ động bố trí thời gian và chuẩn bị ý kiến phát biểu. Nội dung các cuộc họp đều ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cụ thể có trọng tâm, trọng điểm và tập trung đi vào phân tích, thảo luận, đề ra các biện pháp, giải pháp để thực hiện. 2- Các đồng chí tham dự họp đều được phát biểu ý kiến, tỏ rõ chính kiến của mình và nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những vấn đề sau khi đã được thảo luận bàn bạc dân chủ, thống nhất và biểu quyết theo đa số trở thành nghị quyết được triển khai thực hiện. 3 - Duy trì sinh hoạt chuyên đề như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể; công tác chỉ đạo của Đảng bộ trong xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới...

 

Phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực

 

Đồng chí Nguyễn Ngô Quyết,
Bí thư Đảng ủy Sở Công Thương

Đảng bộ sở Công Thương hiện có 8 chi bộ trực thuộc với 94 đảng viên. Đảng bộ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch Ngành giai đoạn 2016-2020, các mục tiêu chính đến 2020 là: Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh đạt 52 đến 53%, khu vực dịch vụ đạt 37 - 38%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm; giá trị xuất khẩu tăng bình quân 8 - 9%/năm; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 trên 20%...

 

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Đảng bộ đã xác định, định hướng nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo phát triển ngành trong giai đoạn tới như sau: Phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tốc độ phát triển cao, nhưng vẫn đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường. Phát triển các loại hình dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiện ích, kết hợp với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi nhất. Huy động có hiệu quả các nguồn lực nội sinh, thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài của mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn thị trường, thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi gian lận thương mại, xử lý dứt điểm các khiếu nại tố cáo…

 

Tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới

 

Đồng chí Ngô Xuân Hải,
Bí thư Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đảng bộ Sở hiện có 368 đảng viên, sinh hoạt tại 24 chi, đảng bộ. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị là tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy đã xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Tinh thần và quan điểm của Nghị quyết được thống nhất, thấm sâu và lan tỏa trong toàn Đảng bộ. Các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị cũng như cán bộ, đảng viên qua nghiên cứu, học tập đều chung một nhận thức và quyết tâm với các kế hoạch và chương trình công tác cụ thể để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng ủy. Đến nay, chương trình hành động về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được triển khai đồng bộ và đã đạt được một số kết quả. Năm 2014 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,11% so với năm 2013; giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1ha đất trồng trọt đạt 80 triệu đồng, tăng 8 triệu so với năm 2013; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 17,3 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 11,19%; độ che phủ rừng ổn định mức trên 50%. Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi công nghiệp, trang trại, đến 2014 toàn tỉnh có 548 trang trại chăn nuôi tập trung, có quy mô và sản lượng lớn. Tính đến hết tháng 7-2015 toàn tỉnh có 23 xã đạt 19 tiêu chí. Trong đó có 21 xã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng

 

Đồng chí Nguyễn Đức Lực,
Bí thư Chi bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian tới, tôi đề xuất một số giải pháp: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức cho ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp, gắn công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đơn vị, tập trung chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, đặc biệt chú ý những nơi chưa có tổ chức đảng, có ít hoặc chưa có đảng viên, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ, đảng bộ, trọng tâm là sinh hoạt chi bộ trong các loại hình TCCSĐ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tạo nguồn cán bộ cho cơ sở; thực hiện trẻ hoá và tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, cấp uỷ viên cơ sở, coi đây là giải pháp đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ; nghiên cứu, bổ sung chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tham gia xây dựng Đảng.

 

Quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên

 

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Xác định được tầm quan trọng đó, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy luôn coi giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của đơn vị.

 

Việc tổ chức phổ biến, quán triệt đổi mới, sáng tạo, xây dựng các chương trình kế hoạch phù hợp với điều kiện đơn vị. Đảng ủy chủ động mời báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nói chuyện thời sự trong nước, quốc tế và tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Đảng ủy phối hợp cùng Ban Giám đốc lồng ghép giữa phổ biến pháp luật, nội quy, quy chế với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng. Qua đó giúp công chức, đảng viên nắm rõ quyền và nghĩa vụ của công chức, những việc cán bộ, công chức không được làm, những việc đảng viên không được làm, đồng thời rèn luyện đạo đức của người đảng viên, công chức, văn hóa giao tiếp nơi công sở, giao tiếp với khách hàng.

 

Nhờ chỉ đạo tốt công tác này, trong toàn Đảng bộ, tình hình chính trị tư tưởng luôn ổn định, các chi bộ, đơn vị luôn giữ được sự đoàn kết nhất trí. Sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể luôn chặt chẽ, khăng khít. Đảng bộ Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên 5 năm liên tục được khen thưởng "Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu", tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm đều đạt trên 97%, tỷ lệ chi bộ trong sạch vững mạnh đạt 100%.