Nỗ lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

10:24, 26/08/2015

Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của ngành Tư pháp cả nước, ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cũng ngày một trưởng thành, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Toàn ngành đã cố gắng bám sát, tập trung sức mạnh và trí tuệ tập thể, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày 9-4-1982, UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) đã ban hành Quyết định số 87-QĐ/UBND về việc thành lập Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất công tác tư pháp trong toàn tỉnh.

 

Giai đoạn đầu khi mới thành lập, Sở có 9 cán bộ, nhân viên được điều động từ Tòa án Nhân dân tỉnh về, trong đó 3 đồng chí có trình độ Trung cấp pháp lý, số còn lại được đào tạo sơ cấp pháp lý và trưởng thành trong thực tiễn. Đồng chí Ma Văn Biên, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh được giao giữ chức vụ Giám đốc Sở. Các phòng chuyên môn gồm có: Phòng Nghiên cứu và tuyên truyền giáo dục pháp luật; Phòng Tổ chức đào tạo và quản lý Tòa án; Phòng Thi hành án và quản lý tổ chức tư pháp khác; Phòng Hành chính quản trị.

 

Sau nhiều năm kiên trì khắc phục khó khăn, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức ngành. Kể từ năm 2009 đến nay, theo quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28-4-2009 của liên Bộ Tư pháp - Nội vụ và theo Quyết định số 1975/QĐ-UBND ngày 4-12-2009 của UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên được kiện toàn gồm có 7 đơn vị hành chính: Văn phòng; Thanh tra Sở; Phòng Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Hành chính tư pháp; Phòng Bổ trợ tư pháp; Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và 4 đơn vị sự nghiệp, gồm: Phòng Công chứng số I; Phòng Công chứng số II; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; Trung tâm Bán đấu giá tài sản, với tổng số 71 biên chế. Ở cấp huyện, mỗi phòng tư pháp được bố trí từ 3-5 biên chế. Các xã, phường, thị trấn mỗi đơn vị bố trí 1-2 công chức tư pháp - hộ tịch. Số công chức, viên chức có trình độ cử nhân luật ở Sở và phòng tư pháp cấp huyện chiếm 85%. Công chức tư pháp - hộ tịch ở các xã, phường, thị trấn có trình độ đại học chiếm trên 35%, trình độ trung cấp khoảng 55%. Các tổ chức bổ trợ tư pháp cũng được xây dựng và ngày càng phát triển bao gồm Đoàn luật sư, các tổ chức giám định, các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức tư vấn…

 

Năm 2015, thực hiện Nghị định số 23/2013/NĐ-CP ngày 13-3-2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22-12-2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ  hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phòng tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 15-7-2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp. Theo đó, ngày 28-7-2015, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-STP triển khai quyết định của UBND tỉnh với mục tiêu kiện toàn hệ thống tổ chức của toàn ngành đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Nhìn lại chặng đường 33 năm đã qua có thể khẳng định, tuy mức độ, thành tích đạt được có khác nhau trong từng thời kỳ nhưng điều đáng ghi nhận là ngành Tư pháp Thái Nguyên đã cố gắng bám sát, tập trung sức mạnh và trí tuệ tập thể, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, như: Công tác thẩm định văn bản từng bước đi vào nề nếp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được tăng cường, hiệu quả ngày càng cao, công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp chất lượng ngày càng càng được nâng cao; công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác thanh tra... được đẩy mạnh. Nhìn chung, trên tất cả các mặt công tác, ngành Tư pháp đều đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

 

Cùng với thành tích chung của ngành Tư pháp cả nước, ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cũng ngày một trưởng thành và phát triển, đạt được nhiều thành tích rất đáng ghi nhận, biểu dương. Từ những kết quả đạt được trong 33 năm qua đã chứng minh sự lớn mạnh không ngừng của ngành Tư pháp tỉnh nhà. Điều đó thể hiện sự kết tinh sức mạnh, trí tuệ tập thể và sự đoàn kết nhất trí cao của các đơn vị trong ngành, sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể công chức, viên chức ngành Tư pháp dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo củacấp uỷ và chính quyền các cấp, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo ngành.

 

Tự hào về những thành tích mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên, toàn thể đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh hiện nay đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí cao, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng vượt qua mọi thử thách, không ngừng phấn đấu thi đua vì sự nghiệp phát triển chung của ngành, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và của nhân dân. Từ đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Với những nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua, ngành Tư pháp tỉnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2012), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005); Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ (năm 2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004); Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh cùng nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương.