Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035, T.P Thái Nguyên sẽ lấy 2 bên bờ sông Cầu là trục chính để phát triển, mở rộng không gian đô thị và hướng tới xây dựng thành phố sinh thái hiện đại. Theo đó sẽ lấy diện tích T.P Thái Nguyên hiện hữu và mở rộng thêm về phía Bắc là xã Sơn Cẩm (Phú Lương); phía Đông là thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (Phú Bình). Xung quanh việc điều chỉnh này, phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến của người dân 2 bên bờ sông Cầu đóng góp ý kiến vào Đồ án.
Quan tâm phát triển vùng nông nghiệp chất lượng cao
Ông Dương Thế Văn, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ
Khi chuyển về thành phố Thái Nguyên, xã Huống Thượng sẽ nằm trong vùng nông nghiệp chất lượng cao, được định hướng cung cấp nguồn nông sản chất lượng cao, hỗ trợ cho sự phát triển cân bằng và bền vững trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, để xây dựng được vùng nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất được những sản phẩm đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm chúng tôi mong muốn được quan tâm định hướng và đầu tư để chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo các qui trình kỹ thuật tiến bộ, hiện đại…, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị nhanh chóng được đầu tư xây dựng cây cầu cứng qua sông Cầu để thuận tiện cho bà con trong thông thương các sản phẩm nông sản và phát triển kinh tế.
Khu vực dân cư nông thôn cần chú trọng trong quy hoạch
Bà Lưu Thị Minh Hiền, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ
Theo như Đồ án, việc quy hoạch các khu vực dân cư nông thôn hướng đến điều kiện sinh thái, chất lượng sống tốt hơn mà không làm mất các đặc thù bản địa quý của nông thôn, tránh các xáo trộn lớn do đô thị hóa tạo ra. Hướng đến mục tiêu đó, tôi đề nghị khi quy hoạch các khu dân cư nông thôn nên ở cách xa các khu, cụm công nghiệp. Cũng nên giữ ổn định mật độ dân số ở khu vực nông thôn, khuyến khích xây dựng nhà ở truyền thống và xây dựng các công trình công cộng có không gian xanh ở trong khu vực này. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường chung, bảo vệ hệ sinh thái nông thôn. Ngoài ra, trong quy hoạch khu đô thị Chùa Hang, diện tích 700 ha với chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch cần tính đến khu vực thấp hơn cửa sông, thường xuyên bị ngập úng ở khu vực tổ 18 và 20 của thị trấn hiện nay. Qua đó có giải pháp về tiêu nước hữu hiệu để khắc phục tình trạng ngập úng.
Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
Ông Nguyễn Văn Việt, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ
Huyện Đồng Hỷ có 2 di tích cấp Quốc gia sẽ chuyển về T.P Thái Nguyên là động Linh Sơn (xã Linh Sơn) và chùa Hang (thị trấn Chùa Hang). Đối với các cụm làng gắn với các di tích cấp Quốc gia này, chúng tôi cho rằng cần có giải pháp bảo tồn, đầu tư xây dựng để phù hợp với phong tục tập quán của các dân tộc, phát huy được phong thổ và văn hóa khu vực.
Bên cạnh đó, xã Linh Sơn cũng còn xóm 135 là Cây Sơn cũng sẽ được chuyển về Thành phố, chúng tôi đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư thực hiện các chính sách hỗ trợ cho bà con ở xóm đặc biệt khó khăn này.
Chung tay thực hiện tốt Đồ án
Ông Ngô Quang Diễn, phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên
Khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 được triển khai, phường Hương Sơn sẽ thuộc trung tâm phía Nam của Thành phố. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, phường cũng được hưởng lợi rất nhiều thứ. Chẳng hạn, căn cứ theo Đồ án, sẽ có tuyến đường nối T.P Thái Nguyên với huyện Phú Bình chạy giữa trung tâm phường Hương Sơn, nhân dân trong phường rất mong mỏi điều này. Ngoài ra, Khu đô thị mới Hương Sơn được quy hoạch cũng sẽ có nhiều công trình được xây dựng như: Khách sạn, nhà hàng, các công trình phúc lợi… sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh. Qua việc lấy ý kiến thực hiện Đồ án, nhân dân trong phường đều đồng thuận cao. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng thuận của người dân phường Hương Sơn việc triển khai Đồ án sẽ rất thuận lợi.
Khi thực hiện Đồ án cần quan tâm đến người dân bị thu hồi đất
Ông Nguyễn Văn Chiến, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên
Thiên nhiên ban tặng cho chúng ta dòng sông Cầu thơ mộng, việc tận dụng dòng sông để mở rộng không gian đô thị tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp là điều nên làm. Tôi rất vui khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 đã tận dụng được cảnh quan của dòng sông. Tuy nhiên, việc thực hiện Đồ án cần phải bải bản, khoa học ngay từ đầu để Thành phố phát triển đúng nghĩa là thành phố sinh thái. Thời gian tới, xây dựng đô thị hai bên bờ sông cũng sẽ phải thu hồi một diện tích đất khá lớn, tỉnh, Thành phố cần quan tâm đặc biệt đến những hộ bị thu hồi đất, tạo điều kiện trong chuyển đổi nghề đề họ có cuộc sống ổn định lâu dài.
Không nên phá vỡ không gian làng nghề
Ông Đỗ Đình Điện, xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên
Xóm Gò Chè, thuộc xã Cao Ngạn, nằm ven bờ sông Cầu. Xóm có Làng nghề bún bánh đã tồn tại trên 50 năm nay. Khi chúng tôi được thông tin Thành phố thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, sẽ phát triển không gian đô thị hai bên bờ sông Cầu, chúng tôi rất vui mừng. Vì phát triển, mở rộng không gian đô thị hai bên bờ sông, xóm chúng tôi đường sá sẽ được đầu tư mở rộng. Dân cư Thành phố đông đúc hơn cũng là điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bún, bánh của Làng nghề… Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn khi thực hiện xây dựng đô thị, không nên phá vỡ cảnh quan, không gian làng nghề mà cần đầu tư, tôn tạo để làng nghề bún, bánh phát triển bền vững.