Phú Lương huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

08:30, 20/08/2015

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Phú Lương đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân. Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã có 2 xã đạt chuẩn và 3 xã đang “cận kề” đích NTM.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường trải bê tông rộng rãi, bà Đào Thị Chiêm, Trưởng xóm Làng Bò 1 xã Phấn Mễ giới thiệu: Trước đây, 100% trục đường trong xóm đều là đường đất, hễ trời mưa là lầy lội, đi lại rất khó khăn. Sau khi được tuyên truyền, bà con trong xóm đã đồng thuận và tình nguyện hiến hàng trăm m2 đất, ngày công lao động, đối ứng tiền làm đường giao thông. Tuyến đường có chiều dài hơn 600m, tổng kinh phí trên 700 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 65%, còn lại do nhân dân đối ứng. Trong năm 2013 và 2014, để phục cho sản xuất nông nghiệp, người dân trong xóm cũng đã hiến trên 1.000m2 đất, đối ứng hơn 200 triệu đồng để làm gần 2km đường giao thông nội đồng.

 

Bà Đào Thị Xuân, một người dân trong xóm cho biết: Ngày trước, mỗi khi đến vụ gặt, tôi sợ nhất là phải gánh lúa về nhà vì quãng đường khá xa. Nhưng nay thì khác, khi đường giao thông nội đồng được mở rộng từ gần 1m lên 3m nên việc chở lúa, mạ hay phân bón rất thuận tiện, việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp cũng dễ dàng hơn, giúp nâng cao năng suất lao động.

 

Phấn Mễ được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác huy động sức dân XDNTM ở Phú Lương. Đến nay, việc thực hiện 19 tiêu chí NTM của xã đã “cận kề” đích. Ông Lý Quảng Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay khi triển khai Chương trình, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc vận động nhân dân đối ứng làm đường giao thông nông thôn bởi cần nguồn vốn lớn. Chính vì vậy, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của Chương trình, từ đó đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Qua hơn 4 năm triển khai, xã đã huy động được gần 400 hộ dân hiến đất với diện tích trên 22.000m2, gồm đất thổ cư, vườn tạp, chè…; chặt hạ hàng nghìn cây cối, hoa màu và các công trình phụ trợ khác. Kết quả, đến nay xã đã đạt được 17/19 tiêu chí, 2 tiêu chí còn lại là giao thông và trường học đang được địa phương đẩy nhanh thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9 tới.

 

Cùng với xã Phấn Mễ, một số địa phương khác như: Tức Tranh, Ôn Lương, Yên Đổ, Vô Tranh… cũng được đánh giá là “điểm sáng” trong việc huy động sức dân XDNTM ở Phú Lương. Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Xã đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, lấy cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu đi đầu trong thực hiện giải phóng mặt bằng, góp công, góp đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Đảng ủy xã cũng tổ chức nhiều cuộc họp với các bí thư chi bộ; trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể để nắm tình hình, rút kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng thắc mắc trong dân. Nhờ đó, người dân đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia thực hiện Chương trình. Trong 4 năm qua, xã đã vận động được trên 400 hộ dân hiến đất với diện tích gần 31.000m2 và đóng góp 5,7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.   

 

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, người dân là nhân tố chính và cũng là chủ thể trong XDNTM. Những cơ chế hỗ trợ của Nhà nước nhằm kích thích sự tham gia của người dân và mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho bà con. Thực hiện Chương trình này, huyện Phú Lương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Sau hơn 4 năm, toàn huyện tổ chức được hơn 1.300 cuộc tuyên truyền với trên 62.000 lượt người tham gia và đã có hàng nghìn hộ tình nguyện hiến đất với tổng diện tích trên 20ha. Kết quả, đến nay huyện đã có 2 xã là Sơn Cẩm và Cổ Lũng về đích trước kế hoạch 1 năm và thời gian tới sẽ có thêm 3 xã: Ôn Lương, Tức Tranh và Phấn Mễ hoàn thành Chương trình này. Các xã còn lại đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Diện mạo nông thôn mới đang dần hiện hữu, đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng nâng lên. Thể hiện rõ nhất ở mức thu nhập bình quân hiện đã đạt trên 25 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2010.

 

Từ việc huy động sức dân, ở các địa phương trên địa bàn huyện Phú Lương đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phong trào XDNTM, đơn cử như: Ông Phạm Ngọc Bảo, xóm Làng Cọ 2, xã Phấn Mễ đã hiến trên 300m2 đất vườn tạp, phá dỡ tường rào để làm đường bê tông của xóm với tổng giá trị 135 triệu đồng; ông Trần Văn Bắc, xóm Khe Thương, xã Yên Đổ hiến 150m2 đất thổ cư, ruộng; ông Phạm Văn Thông, xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh đã hiến trên 600m2 đất thổ cư, đất chè làm đường bê tông; ông Vũ Mạnh Tuyền, xóm Khe Chiêm, xã Tức Tranh đã hiến gần 500m2 đất... Là một trong những hộ dân đã tình nguyện hiến hơn 100m2 đất ruộng, đất đồi; di chuyển 2 ngôi mộ ra nơi khác phục vụ việc thi công tuyến đường của xóm, ông Ma Văn Tho, xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ cho biết: Có đường bê tông sạch sẽ là niềm mơ ước không của riêng gia đình tôi mà của tất cả bà con trong xóm. Vì vậy, khi có chủ trương làm đường bê tông của xóm, tất cả những hộ dân bị ảnh hưởng đều đồng tình hiến đất.

 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, huy động tốt sức dân XDNTM nên đến nay bình quân các xã trên địa bàn huyện Phú Lương đã đạt từ 10 đến 18 tiêu chí (tăng 5-10 tiêu chí so với năm 2011); hệ thống hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư khang trang. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã làm mới, cải tạo và nâng cấp được 154 công trình với gần 115km đường bê tông nông thôn trục xã, liên xã, liên xóm; hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, nâng cấp, đảm bảo chủ động tưới cho trên 75% diện tích đất nông nghiệp;…Tổng các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình qua đạt gần 577 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 440 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 12 tỷ đồng, còn lại là từ vốn lồng ghép và vốn tín dụng khác.

 

Kết quả XDNTM mà huyện Phú Lương đã đạt được hiện nay đã có sự đóng góp không nhỏ của người dân trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Mai khẳng định thêm: Vai trò của người dân không chỉ thể hiên ở việc đóng góp vật chất để xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn đóng góp cả tinh thần, trí tuệ mới hoàn thiện được Chương trình XDNTM, thể hiện ở việc những tiêu chí không cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng cần phải có sự đồng lòng, ý chí quyết tâm mới thực hiện được như: Môi trường, văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự… với sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trên địa bàn, XDNTM của huyện sẽ sớm thành hiện thực.