Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV năm 2015 của tỉnh, có nhiều tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo được tôn vinh. Báo Thái Nguyên trân trọng giới thiệu một số gương mặt đó.
Nắm bắt thị trường nhạy bén để đầu tư
Ông Nguyễn Đức Điểm, Chủ nhiệm HTX Vận tải ô tô Tân Phú
Tôi là cựu chiến binh - thương binh nặng (hạng 1/4 mất 81% sức khỏe). Sau khi xuất ngũ, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, tôi làm thợ may để giúp đỡ gia đình tăng thu nhập, sau đó chuyển sang bán đồ điện, bán xe máy… Do nắm bắt được nhu cầu vận tải hàng hóa của Công ty Gang thép, tôi đã bàn với gia đình mua xe ô tô để vận chuyển hàng cho công ty. Một số bạn bè cùng địa phương xin góp vốn, đồng thời Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã hướng dẫn chúng tôi thành lập đơn vị theo mô hình HTX vào năm 1995. Qua 20 năm hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể, HTX đã từng bước trưởng thành và cũng đã đạt được những thành công nhất định. Với 6 thành viên ban đầu cùng với nguồn vốn kinh doanh còn hạn hẹp, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì và chỉ hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, nay HTX đã đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh như vận tải hành khách, dịch vụ cẩu hàng hóa, cẩu lắp dựng các công trình, mua bán vật liệu xây dựng; địa bàn hoạt động mở rộng đến Hà Nội, Vĩnh Phúc. Chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư thêm tài sản cố định như ô tô tải siêu trường siêu trọng, xe cẩu có tải trọng cao để phục vụ sản xuất kinh doanh, tích cực tìm kiếm nguồn hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành, đưa xe vận tải, xe cẩu vào phục vụ các công trình trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó Doanh thu, lợi nhuận của HTX không ngừng tăng qua các năm, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 145 lao động, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng; hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội; ngoài ra HTX còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng.
Trước hết là giáo dục lòng tự hào
Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An
Trường THPT Chu Văn An đạt chuẩn Quốc gia năm 2003, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 năm 2010. Trường đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc Lập hạng Ba và Cờ thi đua của Chính phủ. Hiện nay, Nhà trường đang tích cực chuẩn bị lộ trình xây dựng trường THPT chất lượng cao và phấn đấu đạt danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Trường được đánh giá là đơn vị đi đầu các trường THPT ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý và giảng dạy. Để đạt được những thành tích trên nhà trường luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục các giá trị truyền thống cho cán bộ giáo viên và học sinh. Bài phát biểu đầu tiên của Hiệu trưởng vào đầu mỗi năm học đến với giáo viên là nói về ngôi trường sinh ra trong lòng Khu Công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên với bao hy sinh, vất vả của những người thợ, nên trách nhiệm của giáo viên là phải dạy dỗ con em cán bộ, công nhân cho tốt. Học sinh ngày đầu vào trường được thắp hương tại phòng truyền thống để nhớ đến đạo lý mà thầy Chu Văn An đã dạy học trò. Dòng chữ đầu tiên các em nhìn thấy khi đến cổng trường là “Hôm nay tôi tự hào về trường, ngày mai trường tự hào về tôi”. Đây chính là phương châm hành động xuyên suốt của cả thầy và trò nhà trường.
Tiên tiến trong phong trào “Phát triển kinh tế tập thể”
Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX Chè Tân Hương
HTX Chè Tân Hương là mô hình kinh tế tập thể, thành lập từ năm 2000, chuyên sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè búp khô các loại. Khi mới thành lập, Hợp tác xã có 32 thành viên, là đại diện các hộ trồng chè của 7 xóm thuộc xã Phúc Xuân. Sau 15 năm hoạt động, Hợp tác xã có 44 thành viên, tổng nguồn vốn và tài sản là 1,2 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 522 triệu đồng; diện tích chè là 25ha, bao gồm 12.8ha sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (UTZ), sản lượng chè búp khô các loại ước tính 65 tấn/năm. Từ khi thành lập, Hợp tác xã đã vận động bà con đưa khoa học kỹ thuật vào khâu trồng, chăm sóc và chế biến chè. Bằng cách cử người tham gia các khóa học do Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức . Đặc biệt, Hợp tác xã đã cử cán bộ đi học tập quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn Quốc tế (UTZ) sau đó về hướng dẫn cho bà con. Kết quả, sản phẩm của Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã Chè Tân Hương cũng luôn tích cực tham gia phong trào do địa phương phát động như: Ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc da cam, quỹ khuyến học, quỹ người cao tuổi… với số tiền trên 120 triệu đồng/5 năm. Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, máy móc, thiết bị, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ lên 20ha năm 2015 và 30ha vào năm 2017; phấn đấu doanh thu hàng năm tăng 20% trở lên; bảo đảm việc làm, thu nhập, chế độ cho người lao động.
Giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
Ông Vũ Ngọc Nhân, xóm Đá Gân, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình
Gia đình tôi hiện có 5 khẩu (2 lao động chính), hưởng ứng phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân phát động, từ năm 1993 gia đình tôi bắt đầu cải tạo vườn tạp.
Năm 2001, tôi tình cờ biết Viện Rau quả trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội có giống Táo Xuân 21 mới lai tạo, cho năng suất chất lượng tốt. Tôi tìm đến mua thử 5 cây giống về trồng. Cây Táo Xuân là cây trồng chủ đạo bên cạnh cây bưởi Diễn, nhãn, đào và một số cây trồng khác. Đến nay gia đình tôi đã có diện tích trồng cây ăn quả lên 30.000 m2 với các loại cây như: táo Xuân 21, táo Đại, bưởi Diễn.
Từ mô hình trồng trọt trên, 4 năm gần đây, thu nhập bình quân của gia đình tôi đạt gần 180 triệu đồng/người/năm, tạo công ăn việc làm cho 7 đến 15 lao động có thu nhập ổn định; giúp đỡ 18 - 20 hộ vay vốn sản xuất không tính lãi; bán chịu, chậm trả vốn cây giống để các hộ phát triển sản xuất; phổ biến kinh nghiệm trồng cây ăn quả và làm cây giống cho 80 - 100 hộ. Gia đình tôi tích cực tham gia các phong trào, hoạt động nhân đạo từ thiện và các phong trào của địa phương với số tiền là 24 triệu đồng, 2.000m2 đất làm đường giao thông và nhà văn hóa xóm, tặng 2 vườn cây tình nghĩa. Gia đình tôi được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc
Chị Đàm Thị Quy, xóm Non Tranh, xã Tân Thành, huyện Phú Bình
Trước, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, năm 2009, tôi được vay 15 triệu đồng vốn hộ nghèo. Lúc đầu, tôi kinh doanh gà giống, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên gà chết nhiều. Tôi tiếp tục vay thêm anh em, bạn bè để chăn nuôi gà đẻ trứng, gà thả vườn cung cấp ra thị trường. Tháng 9-2010, được bạn bè giới thiệu, vợ chồng tôi về trại giống gà ở Hà Tây để học tập kinh nghiệm chăn nuôi và kỹ thuật làm lò ấp trứng. Sau một năm đầu tư, gia đình tôi đã có một số vốn khá và trả được nợ. Gia đình tiếp tục đầu tư kinh doanh lò ấp trứng và chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng. Đến tháng 9-2011, doanh thu từ gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt, tôi thu về lãi 150 triệu đồng, từ đó kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2012, thu nhập của gia đình đạt khoảng 240 triệu đồng, trả hết nợ và được bình xét thoát nghèo. Năm 2013, tôi đăng ký thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên giống gia cầm Vạn Phúc, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất với lò ấp trứng hai buồng quay tự động. Công ty của gia đình còn cung cấp gà giống cho các khách hàng ở các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc… Đến nay tôi có trang trại nuôi 4.000 gà đẻ trứng, lò ấp trứng 5.000 con/lứa. Thu nhập đạt khoảng 400-500 triệu đồng/năm. Từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi tham gia ủng hộ làm đường giao thông của xóm, ủng hộ cho chi hội phụ nữ… với số tiền trên 10 triệu đồng/năm. Hàng năm gia đình đều đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, bản thân tôi đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.