Tự hào là người thợ in báo Đảng

11:12, 21/08/2015

Nhà in Báo Thái Nguyên thành lập năm 2000. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, từ một cơ sở in chỉ có 5 thành viên, với hệ thống máy móc thiết bị cũ, thiếu và không đồng bộ, đời sống cán bộ công nhân viên gặp nhiều khó khăn, đến nay Nhà in Báo Thái Nguyên đã vươn lên trở thành một trong những cơ sở in hiện đại của tỉnh và khu vực phía Bắc, có uy tín với đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh...

Ngược thời gian nhớ lại thời điểm giữa năm 1998, trong một chuyến công tác, đồng chí Lê Quang Dực (khi đó là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên) đã gặp và làm việc với đồng chí Hồng Vinh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân và đồng chí Quỳnh Thắng, Giám đốc Nhà in Báo Nhân dân Hà Nội I. Trong câu chuyện vui vẻ, đồng chí Quỳnh Thắng có gợi ý sẽ chuyển cho Báo Thái Nguyên hệ thống máy đã qua sử dụng cũ nếu đơn vị có xưởng in. Gợi ý ấy đã đi đúng vào trăn trở bấy lâu của Ban Biên tập là phải thành lập xưởng in, nhằm chủ động in báo để đảm bảo tính thời sự, từ đó nội dung tờ báo sẽ phong phú, thu hút nhiều độc giả hơn.

 

Kết thúc chuyến công tác đồng chí Lê Quang Dực đem trăn trở và “gợi ý” báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, được Thường trực Tỉnh ủy đã nhất trí và giao nhiệm vụ cho Ban Biên tập tính toán xây dựng dự án thành lập xưởng in. Chủ trương đã có, nhưng khi triển khai thực hiện không hề giản đơn bởi nguồn nhân lực, vật lực của Toà soạn phục vụ cho công việc mới mẻ này rất hạn chế. Nhưng Ban Biên tập Báo Thái Nguyên xác định đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đơn vị vượt khó khẳng định vị thế của mình. Suốt gần 2 năm vất vả lo mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, tuyển dụng và đào tạo công nhân với sự giúp đỡ của Nhà in Báo Nhân dân Hà Nội I, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Ngày 24-8-2000, đúng dịp kỷ niệm 38 năm Ngày thành lập Báo Thái Nguyên, những tờ Báo Thái Nguyên đầu tiên đã được in ngay tại Toà soạn. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của Nhà in, là niềm phấn khởi của Ban Biên tập, cán bộ phóng viên và công nhân viên Báo Thái Nguyên.

 

Khi mới thành lập, xưởng in chỉ có 5 người, tất cả đều chưa có chút kiến thức nào về in ấn. Tôi từng làm việc tại Nhà máy Luyện cán Thép Gia Sàng, đồng chí Đức Hạnh từ Công ty Gang thép Thái Nguyên, còn Mạnh Tú, Hồng Sơn và Quốc Cường đều chưa từng qua công tác in ấn. Ban Biên tập đã tạo điều kiện để đội ngũ công nhân xưởng in được cử về đi đào tạo tại Nhà in Báo Nhân dân Hà Nội I. Nhìn những cỗ máy đồ sộ với bảng điều khiển toàn tiếng nước ngoài, ai cũng cảm thấy... run. Nhưng không ai bảo ai, tất cả đều chung một quyết tâm phải học bằng được công nghệ và những kỹ năng trong nghề. Chỉ trong thời gian 3 tháng, chúng tôi đã cơ bản nắm vững kỹ thuật trong quy trình vận hành máy in.

 

Những ngày đầu in báo tại xưởng in là những kỷ niệm không thể nào quên. Mọi người thường bắt đầu công việc từ lúc sáng sớm và ở lại xưởng đến tận khuya để chuẩn bị máy cho thật tốt, tranh thủ học hỏi thêm kỹ năng của đội ngũ chuyên gia Nhà in Báo Nhân dân Hà Nội I lên hỗ trợ. Nhiều hôm mệt quá, anh em ngả lưng nghỉ qua đêm luôn trong xưởng, trên đống giấy vụn và quần áo, chân tay thì lấm lem dầu mỡ. Tôi còn nhớ như in hình ảnh anh chị lãnh đạo, Ban Biên tập cơ quan cùng xuống đếm và bó báo với anh em công nhân sau mỗi ca in để kịp phát hành, hay cùng thức trắng đêm để hỗ trợ khi máy móc dở chứng...

 

Thời kỳ đầu đi vào sản xuất, xưởng in gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện tài chính thiếu thốn, máy móc thiết bị cũ, không đồng bộ, đội ngũ công nhân vừa học vừa làm, còn lạ lẫm với cách vận hành máy cũng như cách thức làm báo, song với tinh thần phát huy nội lực, khắc phục mọi khó khăn cán bộ công nhân viên xưởng in đã nhanh chóng ổn định, đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn. Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Ban Biên tập, năm 2002, xưởng in đã đầu tư được máy in 2 màu và một số máy móc khác từ nguồn vốn tiết kiệm. Thời gian này, xưởng in ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị là in Báo Thái Nguyên còn in các ấn phẩm khác như: bản tin, tờ rơi, tờ gấp, lịch… lập đường truyền in báo thời sự cho Báo Cao Bằng, Báo Bắc Kạn với 4 kỳ/tuần.

 

Cùng với sự phát triển của Tòa soạn, năm 2007 Nhà in Báo Thái Nguyên được Thường trực Tỉnh ủy cho phép thực hiện chế độ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Quyết định số 620-QĐ/TU về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Để đứng vững và phát triển, tập thể Nhà in đã xác định phải tranh thủ phát huy mọi nguồn lực, vượt khó vươn lên. Trong đó tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực công nghệ là một giải pháp đảm bảo sự phát triển. Nhà in đã tập trung tổ chức lại bộ máy quản lý, bố trí hợp lý dây chuyền sản xuất, trang bị thêm máy móc thiết bị, cơ cấu lại lao động, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, nhất là khi Báo Thái Nguyên phát hành nhật báo, in 4 màu. Từ năm 2010, Nhà in Báo Thái Nguyên tiếp tục đầu tư máy in 4 màu 16 trang và các thiết bị sau in để đảm bảo thời gian và đáp ứng nhu cầu thị trường, vào đầu tháng 5-2015 đã đầu tư thêm máy ghi bản CTP. Nhờ vậy, các báo, tạp chí, bản tin, ấn phẩm được in tại Nhà in Báo Thái Nguyên ngày càng đẹp, đảm bảo chất lượng; khách hàng trong và ngoài tỉnh đến với đơn vị ngày càng nhiều…

 

Hiện nay, Nhà in Báo Thái Nguyên có 20 cán bộ công nhân viên với trên 50% có trình độ đại học và cao đẳng chuyên nghiệp; doanh thu năm 2014 đạt trên 6 tỷ đồng với khoảng 90 triệu trang in. Công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm, từ 1 đảng viên ban đầu và phải sinh hoạt ghép, đến nay Chi bộ Nhà in đã có 12 đảng viên, là một trong những chi bộ có số lượng đảng viên đông nhất trong Đảng bộ Báo Thái Nguyên, liên tục nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh. Từ xưởng in, nhiều cán bộ, công nhân đã nỗ lực rèn luyện, phát triển trở lãnh đạo phòng, phóng viên có kinh nghiệm trong cơ quan Báo Thái Nguyên.

 

Vinh dự là người thợ in báo Đảng, phát huy những thành quả đã đạt được, tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà in Báo Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với các phòng chuyên môn nâng cao chất lượng các ấn phẩm Báo Thái Nguyên trong sự nghiệp đổi mới và các tài liệu phục vụ chính trị, kinh tế - xã hội tỉnh nhà.