Hà châu là một trong những xã phía Nam của huyện Phú Bình sớm có phong trào cách mạng sôi nổi, nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2004, xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tự hào truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hà Châu đã đồng lòng, chung sức phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Xuôi dòng sông Cầu hiền hòa, thơ mộng vào những ngày tháng 8 lịch sử này, chúng tôi tới xã Hà Châu. Những mái đình, ngôi chùa cổ kính rêu phong, triền đê dài uốn lượn với những thảm cỏ xanh ngắt như những nét chấm phá cho bức tranh Hà Châu đang từng ngày khởi sắc. Ít ai biết, đây là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, một địa phương nhỏ bé, nghèo nàn bị giặc tàn phá ác liệt năm xưa.
Hà Châu ngày ấy
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Hà Châu là nơi giặc xây dựng vành đai kìm kẹp, o ép cách mạng, cũng là nơi đóng quân của nhiều đồn lính Pháp. Dưới sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, nhân dân sống trong cảnh đói khổ, tăm tối. Nằm giáp danh với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), nơi có tổ chức cách mạng sớm, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ, những cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo hòa bình trong các đồn điền ở Hiệp Hòa đã có tiếng vang lớn đến những thanh niên có tinh thần yêu nước của Hà Châu. Dưới ánh sáng của Đảng, sự chỉ đạo của Ban Cán sự tỉnh Bắc giang, nhân dân Hà Châu từng bước giác ngộ, tin tưởng, đoàn kết đứng lên đấu tranh chống thực dân pháp. Các tổ chức hội yêu nước được hình thành và phát triển mạnh mẽ như: Hội Ái hữu (Hội Nông dân phản đế, Thanh niên phản đế, Phụ nữ cứu quốc… gây dựng được 3 cơ sở cách mạng ở Hà Châu.
Dưới sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Bắc kỳ nhân dân Đồng Áng - Hà Châu, thường xuyên giải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm trên ngọn đa trước cổng đồn lính và bến Đò Hà Châu nhằm vạch trần thủ đoạn của phát xít Nhật, vận động binh lính ủng hộ cách mạng.
Đây cũng là mảnh đất đã từng nuôi giấu cán bộ Trung ương Đảng như: Trường Chinh, Ngô Hoạt, Lê Hoàn, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Thanh Xuân… Những năm 1965, Sư đoàn 304B đóng quân trên địa bàn Hà Châu để huấn luyện tân binh, an dưỡng cho bộ đội trước khi vào chiến trường miền Nam. Với phương châm “nhường nhà cho bộ đội ngủ, nhường giường cho bộ đội nằm” nhân dân xã Hà Châu đã huy động hàng nghìn cây tre, gỗ, cùng mọi vật liệu để xây dựng lán trại, kho tàng, trường bắn để bộ đội yên tâm đóng quân. Theo tiếng gọi Tổ quốc, hàng trăm người con em ưu tú Hà Châu lên đường, vào chiến trường chiến đấu dũng cảm và lập nhiều chiến công xuất sắc. Không ít người trong số đó, đã vĩnh viễn nằm lại. Giai đoạn này, Hà Châu còn là nơi đón nhận nhiều cơ quan, tổ chức về sơ tán như: Bệnh viện Than, Công ty xây lắp Gang thép Thái Nguyên, kho chứa vũ khí quân đội… Với đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến đó, Hà Châu được Đảng, Nhà nước trao tặng Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Diện mạo hôm nay
Trải qua bao biến cố, thăng trầm, các thế hệ nhân dân Hà Châu không ngừng đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn. Nhờ sự năng động, chỉ đạo sát sao của cấp uỷ Đảng, sự đồng lòng chung sức của người dân vươn lên phát triển kinh tế xã hội nên hôm nay, xã như khoác lên mình tấm áo mới. Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng (đặc biệt là giao thông), thu hút đầu tư là khâu then chốt, tạo đột phá để thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung kêu gọi các nhà đầu tư, đồng thời vận động người dân tinh thần tự giác góp công, góp của vì mục tiêu chung và đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng: Nếu như đầu nhiệm kỳ 2010, xã chỉ có 1km đường bê tông trục xã thì nay đã lên tới 15km, 100% đường xóm đổ bê tông. Hệ thống kênh mương đã được cứng hóa toàn bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho người dân. Đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, cầu treo Hà Châu - Đồng Tân, Tỉnh lộ 266 xây dựng đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, giao lưu với các địa phương lân cận. Trong nhiệm kỳ qua, xã thu hút đầu tư trên 95 tỷ đồng, trong đó riêng nhân dân đóng góp là trên 9 tỷ đồng, hiến 30ha diện tích đất.
Giao thông thuận tiện, xã tập trung vào phát triển nông nghiệp kết hợp với dịch vụ, làng nghề. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương. Vận động nhân dân đưa các giống lúa mới, áp dụng khoa học kỹ thuật máy móc vào sản xuất, chăn nuôi mang lại kinh tế cao. Nhờ vậy, năng suất lúa tăng từ 40 tạ/ha lên 55 tạ/ha. Triển khai mô hình cây ăn quả như táo đại vàng từ 3ha-10ha. Chăn nuôi đạt 910 tấn tăng 180 tấn so với 2010. Ngành nghề kinh doanh như đan lát thủ công, mộc mỹ nghệ, xây dựng, cơ khí, có chiều hướng phát triển. Hiện xã có 3 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã và 16 cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở thu hút từ 3-5 lao động. Hàng chục hộ phát triển nghề kinh doanh du lịch, dịch vụ, góp phần vào thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Thu nhập bình quân toàn xã đạt trên 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm…
Khi kinh tế ổn định, người dân có điều kiện chăm lo đến đời sống văn hóa, tinh thần. Đến nay, có trên 12/15 xóm xây dựng nhà văn hóa theo chuẩn nông thôn mới. Xã giao cho cán bộ văn hóa viết bài tuyên truyền thu âm rồi phát lên loa truyền thanh của xã, xóm. Nhờ vậy, bà con nhân dân hiểu thêm về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia sinh hoạt đóng góp vào phong trào chung của xã. Việc chăm sóc, giúp đỡ gia đình chính sách, tạo cơ hội cho hộ nghèo thoát nghèo ổn định cuộc sống càng được xã quan tâm hơn.
Đồng chí Nguyễn Viết Đài, Chủ tịch UBND xã Hà Châu cho biết: Tuy không phải là xã điểm, nhưng đến nay, Hà Châu đã đạt 16/19 tiêu chí và phấn đấu sẽ “về đích” nông thôn mới vào cuối năm nay. Với tinh thần cách mạng, năng động, dám nghĩ dám làm cán bộ và nhân dân Hà Châu đã đồng lòng, chung sức để nâng cao chất lượng đời sống, vững bước đi lên.