Nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong việc xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, thực hiện các quy định của UBND tỉnh, nhiều địa phương trên địa bàn đã bỏ qua bước xác nhận của chính quyền cấp xã để tiếp nhận trực tiếp hồ sơ tại bộ phận một cửa của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, quy trình này đã bộc lộ một số hạn chế, khiến người dân khá vất vả và mất thời gian trong việc làm thủ tục…
Trước đây, việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị cơ bản được thực hiện theo 3 bước tại UBND cấp xã trước khi hồ sơ được chuyển lên cấp huyện. Cụ thể, sau khi kiểm tra hồ sơ nếu đảm bảo các yêu cầu thì cán bộ địa chính - xây dựng cấp xã sẽ tiếp nhận hồ sơ và viết phiếu hẹn cho chủ đầu tư (trong trường hợp thửa đất xin cấp phép nằm trong vùng quy hoạch đã công bố thì hướng dẫn chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp phép tạm). Sau đó, cán bộ địa chính xác định vị trí xây dựng, rồi thực hiện việc trích lục vào hồ sơ và hướng dẫn chủ đầu tư đến đội thuế xã, phường để nộp thuế, phí xây dựng. Khi chủ đầu tư thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, hồ sơ sẽ được lãnh đạo UBND cấp xã xác nhận để trả cho người dân gửi lên bộ phận một cửa cấp huyện.
Thời gian quy định tối đa cho một bộ hồ sơ làm tại cấp xã thường là 5 ngày. Với quy trình này, có 2 vấn đề nảy sinh, không phù hợp với quy định của pháp luật (gồm việc chủ đầu tư phải nộp thuế và thẩm quyền trích lục sơ đồ thửa đất không thuộc cấp xã) nên UBND tỉnh đã bãi bỏ việc xác nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng đối với UBND cấp xã (quy định tại Quyết định số 2542/2014/QĐ-UBND ngày 7-11-2014). Việc bãi bỏ xác nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị đối với UBND cấp xã đồng nghĩa với việc giúp người dân bớt đi một khâu trung gian. Tuy nhiên, theo cán bộ địa chính - xây dựng và người dân ở một số địa phương thì việc thực hiện quy trình mới chỉ phù hợp với những loại đất đã được cấp bìa đỏ mà có trích lục, không có biến động, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch. Còn những thửa đất không đảm bảo các yếu tố trên thì đã và đang nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho cả chính quyền cơ sở và người dân.
Đầu tiên là phải kể đến khó khăn trong việc xin trích lục sơ đồ thửa đất. Theo quy định, phần đất mà chủ đầu tư định làm nhà phải có sơ đồ hoặc trích lục. Tuy nhiên, những bìa đỏ được cấp từ năm 2009 trở về trước hầu như không có phần trích lục này. Do đó, hoặc người dân phải về UBND phường xin xác nhận thông tin về thửa đất, hoặc phải xin trích lục tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thông qua bộ phận “Một cửa” cấp huyện. Do thẩm quyền trích lục thửa đất của cấp xã đã được bãi bỏ nên cán bộ địa chính - xây dựng nhiều địa phương có quyền từ chối việc xác nhận này. Khi đó, buộc chủ đầu tư phải xin trích lục tại bộ phận “một cửa” cấp huyện. Tuy nhiên, theo quy định thì phải mất tới 22 ngày làm việc (nếu cộng cả thứ Bảy và Chủ nhật, thời gian sẽ là 1 tháng), chủ đầu tư mới có được trích lục.
Thứ hai là khó xác định được vị trí thửa đất có nằm trong quy hoạch hay không. Nhiều người sau khi đã bỏ ra cả chục triệu đồng để thuê thiết kế xây dựng lại phải tốn thêm một khoản tiền khác để thuê vẽ lại thiết kế chỉ vì đất của gia đình nằm trong quy hoạch. Vì theo quy định, đất nằm trong quy hoạch thì chủ đầu tư chỉ được cấp phép tạm với tổng diện tích nhà không có 200m2 và không được xây cao quá 7,5m. Do đó, những nhà đã thiết kế 3 tầng hoặc có diện tích quá 200m2 đều phải làm lại thiết kế và hồ sơ. Và như thế, họ sẽ phải chờ thêm 1 lần hẹn nữa (sau 15 ngày làm việc) mới được nhận kết quả. Trong khi đó, nếu qua UBND xã, phường thì cơ bản người dân sẽ biết được đất của gia đình có nằm trong quy hoạch hay không để tiến hành làm các thủ tục theo quy định.
Cũng do trực tiếp nộp hồ sơ lên UBND cấp huyện nên có những phần đất đang xảy ra tranh chấp vẫn được cấp phép xây dựng, bởi cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ của người dân không phải lúc nào cũng có điều kiện kiểm tra tại thực địa, mặc dù theo quy định công chức được giao thẩm định hồ sơ phải kiểm tra tại thực địa. Cũng từ việc không kiểm tra hết được tại thực địa nên có trường hợp người đã chết vẫn được cấp giấy phép xây dựng (con cháu ngại làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng nên vẫn lấy tên của bố, mẹ trong bìa đỏ để xin cấp phép). Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện trường hợp diện tích cấp phép xây dựng vượt quá hiện trạng chủ đầu tư đang sử dụng, mặc dù là đúng với bìa đỏ. Vì trên thực tế, có những hộ diện tích đất ghi trong bìa đỏ nhiều hơn so với thực tế. Điều này sẽ khiến việc quản lý đất đai của địa phương trở nên khó khăn hơn…
Từ những bất cập này, nên chăng vẫn cần xác định trách nhiệm của cấp xã, trong đó có việc xác nhận thông tin về thửa đất cho hộ dân (có thể chỉ là vẽ sơ đồ hoặc xác nhận hiện trạng về thửa đất). Ngoài ra, cơ quan chức năng cấp tỉnh và huyện phải cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch trên địa bàn cho chính quyền sở tại để người dân có thể tìm hiểu ngay tại địa phương chứ không phải vất vả tìm hiểu ở cấp huyện. Đối với bộ phận trực tiếp làm cấp phép xây dựng và các cấp phép khác theo chức năng, thẩm quyền cần tăng cường hơn nữa việc trao đổi, công khai thông tin với UBND cấp xã để nắm thông tin cần thiết trước khi thực hiện cấp phép cho người dân...
Thiết nghĩ, để làm được điều này, rất cần có những văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ cho chính quyền cấp xã thực hiện và người dân theo dõi, giám sát. Tránh tình trạng do thiếu các quy định mà cán bộ cơ sở có thể dễ dàng từ chối mà người dân không biết phải dựa vào đâu để đòi hỏi các quyền lợi chính đáng cho bản thân.