Thành công từ ca ghép thận mở hướng phát triển y tế chuyên sâu

09:17, 08/10/2015

Ngày 30-9-2015, ca ghép thận thành công của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (BVĐKTWTN) đã đánh dấu một bước tiến mới về sự trưởng thành của đội ngũ thầy thuốc ở đây và đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu xây dựng Bệnh viện trở thành hạng đặc biệt của Quốc gia vào năm 2020. Hai bệnh nhân cho và nhận thận đã bình phục sức khỏe. Thành công của ca ghép thận đã mở ra hướng phát triển mới cho y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao của Bệnh viện khu vực.

Hai năm để có một ngày

 

Về việc ghép thận tại BVĐKTWTN đã được Ban Giám đốc Bệnh viện ấp ủ quyết tâm từ 4-5 năm trước, nhưng các điều kiện cần thiết để thực hiện ca ghép là chưa đồng bộ. Năm 2013, sau khi rà soát lại Đề án về phát triển y tế chuyên sâu, trên cơ sở đội ngũ đã có và nghiên cứu thành công của các ca ghép thận trong nước, quốc tế, Ban Giám đốc Bệnh viện quyết định cho tổ chức thực hiện quy trình ca ghép thận.

 

PGS-TS, Bác sĩ Trần Đức Quý, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu cho biết: “So với một số ca điều trị trước đó, đây có thể nói là ca khó nhất, phức tạp nhất, huy động gần 60 y, bác sĩ của gần chục khoa, ngành trong toàn Bệnh viện tham gia. Để thực hiện được kế hoạch ghép thận, Bệnh viện đã cử hàng trăm lượt cán bộ tham gia học tập, nghiên cứu các kỹ thuật mới tại các bệnh viện và trực tiếp học tập kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành, trong đó nòng cốt là Bệnh viện Quân y 103”. Còn Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thọ, Phó khoa Ngoại tiết niệu chia sẻ: Về kỹ thuật, khoa học thì tất cả đều nằm trong sự kiểm soát của tập thể y, bác sĩ, nhưng về tâm lý là khá nặng nề. Ngay từ phía gia đình người hiến thận (mặc dù là anh em sinh đôi, cùng trứng) cũng băn khoăn lo lắng, khiến áp lực cho bác sĩ cũng căng thẳng. Bởi lẽ họ chỉ nghĩ: Cắt đi một phần cơ thể là mất đi một phần ruột thịt, là kết thúc một phần cuộc sống… Nếu như chỉ lấy sách vở, khoa học để vận động thì khó có thể để người hiến thận an tâm. Sau khi làm công tác tư tưởng và được các chuyên gia đầu ngành cho xem các hình ảnh, video về thành công các ca ghép thận, họ mới phần nào an tâm bước vào phòng phẫu thuật.

 

Đúng 9 giờ ngày 18-9-2015, ca ghép thận đầu tiên tại BVĐKTWTN đã được tiến hành. Người cho thận là anh Trần Văn Phong, sinh năm 1980, trú tại xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là người em sinh đôi cùng trứng với bệnh nhân Trần Văn Đại, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên. Các quy trình lấy và ghép thận được thực hiện dưới sự chỉ huy chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia ghép tạng thuộc Bệnh viện Quân y 103. Sau 4 giờ, công việc lấy thận, rửa thận, ghép thận đã thành công. Bác sĩ Trần Đức Quý nhớ lại: Chỉ chưa đầy 5 phút sau khi ghép, nối các mạch máu, quả thận ghép đã bài tiết nước tiểu và hoạt động tốt, sau một ngày thận mới ghép làm việc, người bệnh đã lọc, thải bài tiết được trên 200ml nước tiểu. Đặc biệt phía người cho cũng đã hồi phục nhanh chóng. Qua 12 ngày điều trị đặc biệt, cả hai bệnh nhân hoàn toàn có thể tự đi lại và nói chuyện. Riêng bệnh nhân Trần Văn Phong đã được làm thủ tục xuất viện. Chia sẻ với thành công của tập thể thầy thuốc BVĐKTWTN trong ngày công bố kết quả thành công ca ghép thận, lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp đến động viên chúc mừng. PGS-TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 - người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật và giúp đỡ ca ghép thận - không giấu được niềm vui khi chia sẻ về ca ghép đầu tiên tại Thái Nguyên: Đây là một thành công mới, với trên 60% khối lượng công việc do chính bàn tay các y, bác sĩ của Bệnh viên Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thực hiện. Thành công bước đầu của ca ghép thận mở ra triển vọng rất lớn để đội ngũ y bác sĩ tại Thái Nguyên khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế. Với kỹ thuật ghép tạng này, các bác sĩ sẽ cứu sống được nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, nhất là vùng miền núi phái Bắc.

 

Mở hướng phát triển y tế chuyên sâu

 

Trao đổi với các cơ quan truyền thông tại buổi họp, PGS-TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc BVĐKTWTN chia sẻ: “Trước xu thế hội nhập quốc tế, nếu không tự vươn lên làm chủ khoa học, kỹ thuật mới thì tự mình tụt hậu. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay, liên tục Bệnh viện liên tục cử hàng trăm lượt bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu trong và ngoài nước, học việc ngay tại các giường bệnh bên các chuyên gia đầu ngành… Điều quan trọng là không thể kéo dài tình trạng để người bệnh phải chạy lên các tuyến trên gây ùn tắc, hoặc phải lo kinh tế ra nước ngoài chữa bệnh, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn”. Bắt đầu từ năm 2010, Khoa Nội Tim mạch tiến hành kỹ thuật chụp mạch vành để chẩn đoán, nong và đặt Stent động mạch vành điều trị nhồi máu cơ tim giải quyết tắc nghẽn của động mạch vành và thực hiện điều trị trên 1.000 ca thành công. Tiếp đến là các điều trị đặc biệt khác, như: Can thiệp động mạch ngoại biên điều trị tắc nghẽn mạch ngoại biên như động mạch đùi, cẳng chân; đặt máy tạo nhịp tạm thời và máy tạo nhịp vĩnh viễn điều trị các trường hợp rối loạn nhịp tim điều trị bằng thuốc không hiệu quả.

 

Khoa Ngoại Tim mạch lồng ngực mổ tim hở dưới tuần hoàn ngoài cơ thể để điều trị các bệnh tim bẩm sinh: Thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp, hở van tim, trong đó có một số ca thay cùng lúc hai van hai lá và động mạch chủ, sửa van 3 lá, phẫu thuật cắt u trung thất, phẫu thuật nội soi lồng ngực sinh thiết và điều trị rối loạn thần kinh giao cảm ra nhiều mồ hôi tay. Khoa Chấn thương, chỉnh hình đã tiến hành vi phẫu thuật nối chi thể đứt rời, thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, nội soi khớp vai để điều trị các trường hợp bị đứt lìa chi thể, những trường hợp bệnh lý hoặc chấn thương khớp gối, khớp háng nặng, các trường hợp đứt dây chằng, tổn thương thoái hóa khớp gối, khớp vai… Khoa Ngoại thần kinh phẫu thuật lấy bỏ u não, phẫu thuật cột sống. Khoa Ngoại tổng hợp gan, mật đã phẫu thuật thành công cắt khối tá tụy, cắt u gan để điều trị lấy bỏ khối u vùng đầu tụy, khối u gan, phẫu thuật nội soi cắt dạ dày. Trung tâm Ung bướu triển khai phẫu thuật nội soi cắt buồng trứng, nội soi cắt tuyến giáp; Khoa Chẩn đoán hình ảnh triển khai dẫn lưu đường mật trong gan, nút động mạch phế quản, động mạch gan, tử cung…

 

Ghép tạng hiện nay là một kỹ thuật mới đối với ngành y tế nước ta, tuy nhiên khó khăn nhất là việc hiến tạng của người đang sống. Để thực hiện chuyên sâu kỹ thuật này, rất cần sự tham gia cộng tác của cộng đồng xã hội, nhất là việc nâng cao nhận thức về xây dựng hệ thống ngân hàng quản lý hiến tạng trong y học hiện đại.