Xác định tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu và chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động và tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng nên những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã luôn chú trọng tới công tác này.
Ông Nông Văn Trân, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết: 5 năm qua, Ban Dân tộc đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức như: cung cấp tài liệu về công tác dân tộc cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có nhiều thông tin, kiến thức khi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng tới người dân; phối hợp với UBND các huyện mở 16 lớp tuyên truyền cho cán bộ cấp cơ sở ở xã, xóm về các nội dung và nhiệm vụ của Chương trình công tác dân tộc của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 cho trên 1.150 lượt người tham gia, từ đó đã phát huy vai trò của cán bộ ở cơ sở...
Thực trạng đồng bào vùng dân tộc thiểu số còn nghèo, trình độ dân trí thấp, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; trình độ, phương thức canh tác của đồng bào lại lạc hậu, năng suất lao động thấp… nên các cấp, ngành, đoàn thể ở những địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào mạnh dạn áp dụng kỹ thuật canh tác mới, kết hợp chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao theo hướng sản xuất tập trung, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Đồng thời, hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phương pháp bảo quản, sơ chế sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, làm tăng giá trị sản phẩm… Cùng với đó là tuyên truyền, vận động bà con thực hiện ăn, ở vệ sinh, bài trừ mê tín dị đoan, loại bỏ hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi... cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, vận động ở vùng dân tộc của tỉnh đã hướng mạnh về cơ sở. Các hình thức tuyên truyền được vận dụng linh hoạt để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, kết hợp tuyên truyền tập trung tại các buổi sinh hoạt cộng đồng với tuyên truyền nhỏ, lẻ cho từng cá nhân, từng hộ gia đình, tác động mạnh mẽ vào việc thực hiện các chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; đấu tranh đẩy lùi các tập tục lạc hậu, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch...
Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ở vùng dân tộc đã giúp đồng bào nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế gia đình, không ỷ lại vào Nhà nước; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước... Chị Ma Thị Hồng, người dân tộc Tày, ở xóm Đồi, xã Đức Lương (Đại Từ) cho biết: Xóm Đồi có hơn 90% hộ đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Nhờ được tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Hiện nay xóm Đồi không còn tình trạng tổ chức đám cưới linh đình, lãng phí; người chết để hàng tuần mới đem chôn... Trong phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cấy mạ khay; gieo trồng các giống lúa lai, ngô lai; trồng chè cành...
Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc đã tích cực hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Dìu...) đã hiến đất, đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Thậm chí cả ở những bản vùng cao như bản Tèn (Văn Lăng - Đồng Hỷ); Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài (Thượng Nung - Võ Nhai)... người dân cũng hưởng ứng rất mạnh mẽ phong trào này. Chị Lý Thị Si, người dân tộc Mông ở bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Nhà nước rất quan tâm đến bà con chúng mình nên mới đầu tư kinh phí để làm đường. Chúng mình có đóng góp thêm chút công sức cũng có đáng gì đâu. Đường làm xong, chúng mình được đi mà...
Đặc biệt, từ truyên truyền, vận động, bà con người Mông trên địa bàn tỉnh không nghe theo lời kẻ xấu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chị Đào Thị Thương, người dân tộc Mông ở bản Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) nói: Mình không nghe lời kẻ xấu, chỉ tin cán bộ thôi. Cán bộ nói đúng, chỉ có Nhà nước mới quan tâm giúp người Mông bớt đói khổ. Nhà nước làm đường bê tông cho chúng mình đi; hỗ trợ cả con bò, phân bón, giống ngô lai và giống lúa lai cho người Mông nữa...
Phát huy những kết quả đã đạt được, với kinh nghiệm từ thực tiễn, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động quần chúng đối với đồng bào các dân tộc; tuyên truyền, vận động để đồng bào cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực lao động sản xuất, phát huy truyền thống đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên quê hương mới.