Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở Tân Thành

10:00, 05/11/2015

Tân Thành là xã 135 của huyện Phú Bình, toàn xã hiện có trên 1.200 hộ dân sinh sống tại 12 xóm, trong đó có hơn 60% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, mặc dù được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước nhưng đời sống của bà con nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Đinh Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Để thực hiện công tác giảm nghèo, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo xã, phân công các thành viên trực tiếp phụ trách ở từng xóm, bản nhằm tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ dân để có định hướng trong phát triển kinh tế sao cho phù hợp. Với thế mạnh của địa phương là có nhiều diện tích đồi rừng (toàn xã có hơn 1.300ha, nên xã Tân Thành xác định việc trồng cây lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là trọng tâm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Trung bình mỗi năm, xã đã vận động nhân dân trồng mới, trồng lại được trên gần 200ha rừng theo các dự án, đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở hơn 20 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về nông lâm nghiệp cho cho khoảng 2.000 lượt người. Nhằm giúp các hộ nghèo có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, xã Tân Thành còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng tín chấp để giúp người dân được vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, tổng dư nợ của các hội đoàn thể xã Tân Thành nhận ủy thác đạt gần 20 tỷ đồng, giúp hàng nghìn lượt hộ có thêm vốn làm ăn. Cùng với đó, xã cũng triển khai đầy đủ các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo như hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo theo chương trình 135; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo…

 

Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương nhưng 3 năm trở lại đây, số hộ nghèo trong xã Tân Thành vẫn liên tục tăng. Năm 2013, toàn xã có 221 hộ nghèo, năm 2014 có 250 hộ và năm 2015 có 255 hộ, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm 40% tổng số hộ. Công tác giảm nghèo ở xã gặp nhiều khó khăn được xác định do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do trình độ dân trí của người dân còn hạn chế nên mặc dù các cấp chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư cho phát triển kinh tế, việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng rất chậm. Thứ hai là do phần lớn diện tích đất canh tác nông nghiệp phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời nên trong tổng số 350ha diện tích đất trồng lúa của xã thì chỉ có khoảng hơn 100ha trồng được lúa 2 vụ/năm, diện tích còn lại bà con chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm nhưng năng suất lúa cũng rất thấp, trung bình 1 sào đạt từ 1,2-1,5 tạ. Ngoài việc làm nông nghiệp, người dân ở Tân Thành không có thêm ngành nghề gì khác để làm thêm nên thu nhập bình quân của xã đến nay mới đạt khoảng 14 triệu đồng/người/năm (thấp hơn so với bình quân chung của huyện Phú Bình là trên 10 triệu đồng). Nguyên nhân thứ ba là hệ thống đường giao thông trong xã rất khó khăn, toàn xã có trên 110km đường giao thông các loại thì đến nay mới cứng hóa được gần 12km, còn lại đều là đường đất. Điều này đã trở thành lực cản trong việc sinh hoạt và lưu thông, trao đổi hàng hóa với bên ngoài của người dân.

 

Đến thăm một số xóm ở xã Tân Thành, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự vất vả của người dân nơi đây khi đi trên những con đường nhỏ, hẹp, mấp mô sỏi đá. Dân cư phần lớn là sinh sống thưa thớt nên việc huy động sức dân để làm đường ở địa phương này là điều khó thực hiện. Trên các cánh đồng, cây lúa đã vào kỳ thu hoạch nhưng bông lúa không trĩu hạt như những nơi khác… Chị Dương Thúy Nga, ở xóm Đồng Bầu Ngoài cho biết: Nhà tôi có 5 sào ruộng, mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ lúa, năm nào lúa tốt lắm thì được hơn 1 tạ/sào, không thì chỉ được 60-70kg. Bố mẹ tôi ở bên xã khác vẫn thường phải cung cấp gạo thêm cho gia đình tôi thì mới đủ ăn.

 

Còn anh Lê Quang Dương, Trưởng xóm Non Tranh thì chia sẻ: Toàn xóm có 118 hộ, trong đó có 28 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc giảm được tỷ lệ hộ nghèo là điều rất khó. Ví dụ như năm 2014, trong xóm có 2 hộ thoát nghèo thì lại có 5 hộ nghèo mới.

 

Ông Đinh Văn Phượng cho biết: Khó khăn là vậy nhưng trong thời gian tới xã Tân Thành sẽ tiếp tục có thêm nhiều giải pháp thiết thực để đời sống của người dân được nâng lên. Trong đó, xã vẫn sẽ ưu tiên việc phát triển kinh tế đồi rừng, tổ chức các đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở những mô hình hiệu quả, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, sản lượng…