Mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông đã chính thức xem xét, cho ý kiến để trình Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình tại tỉnh ta, bước đầu mở ra cơ hội mới phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao - công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử trên địa bàn. Đây là dự án có quy mô lớn, mang ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thái Nguyên mà với cả miền Bắc nước ta.
Ngay từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015), tỉnh ta đã xác định: "Ưu tiên đổi mới công nghệ và công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh; phát triển công nghiệp điện tử, CNTT gắn với việc hình thành tổ hợp công nghiệp; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển bền vững". Triển khai thực hiện Nghị quyết, trong giai đoạn này, một bước đột phá quan trọng của tỉnh nhằm phát triển công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn chính là việc xây dựng Khu công nghiệp Yên Bình và thu hút được Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư vào đây. Kết quả này được xem là tiền đề quan trọng đối với chiến lược phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Tỉnh ta luôn xác định ngành công nghiệp công nghệ cao, CNTT là ngành chủ đạo, có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại, tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác và tạo bước ngoặt lớn trong phát triển công nghiệp của địa phương thời gian tới. Về tiềm năng, lợi thế phát triển ngành công nghiệp này ở địa phương là rất lớn bởi chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối bảo đảm, vị trí địa lý thuận lợi... Do vậy, việc hình thành Khu CNTT tập trung tại Yên Bình (viết tắt là Khu CNTT Yên Bình) - nơi đang có Khu tổ hợp Samsung - là rất phù hợp. Theo Dự án do Sở Thông tin - Truyền thông Thái Nguyên trình lên thì Khu CNTT Yên Bình có quy mô lên tới 545,8ha, nằm ở vị trí trung tâm của Tổ hợp công nghệ cao Yên Bình, thuộc địa bàn các xã Nga My, Hà Châu (Phú Bình) và Tiên Phong (T.X Phổ Yên). Dự án do liên danh giữa Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình (Công ty Yên Bình) và Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí thực hiện Dự án dự kiến lên tới 3.690 tỷ đồng, giải ngân làm 3 giai đoạn (giai đoạn 1 giải ngân 1.300 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 1.430 tỷ đồng, giai đoạn 3 là 960 tỷ đồng). Theo ông Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh thì vốn của hai nhà đầu tư chiếm chủ yếu, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí (khoảng 15,46%). Phần Nhà nước hỗ trợ tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu như đường giao thông, điện, nước sạch, hệ thống thoát nước và một số hạ tầng khác.
Các nhà phân tích cho rằng, Khu CNTT Yên Bình được quy hoạch ở vị trí khá đắc địa, nằm trong tâm điểm của 5 thành phố lớn có dân số hơn 16 triệu người trong vòng bán kính 30km gồm Thủ đô Hà Nội, các thành phố: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên; cách sân bay Nội Bài 16km, cách Cảng Hải Phòng 120km, Cửa khẩu Lạng Sơn 130km. Cùng với đó, trong quá trình triển khai Dự án sẽ có nhiều thuận lợi bởi hạ tầng kỹ thuật tại Tổ hợp công nghệ cao Yên Bình đã được đầu tư khá bài bản. Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã quy hoạch 2 trạm điện 220KV và 8 trạm 110KV với tổng công suất khoảng 1.500MW, trong đó đã xây dựng xong 3 trạm điện. Bên cạnh đó, Nhà máy nước Yên Bình công suất 300.000m3/ngày, đêm hiện đang đầu tư giai đoạn đầu với quy mô 150.000m3/ngày, đêm. Công ty Yên Bình cũng đã xây dựng 2 trạm cung cấp nước sạch dự phòng với công suất 35.000m3/ngày, đêm. Trong Tổ hợp công nghệ cao Yên Bình đã quy hoạch 5 khu xử lý nước thải với tổng công suất 180.000m3/ngày, đêm. Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Hoàng Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Yên Bình cho biết: Diện tích thực hiện Dự án chủ yếu là đồi rừng, ít nhà dân nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thuận lợi. Công ty đã và đang triển khai xây dựng 2 khu tái định cư tập trung với quy mô 80ha dành để phục vụ chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án.
Dự án Khu CNTT Yên Bình được chia làm 2 phân khu chức năng gồm: Khu CNTT tập trung và Khu dịch vụ CNTT. Tại hai phân khu sẽ thực hiện các hạng mục đầu tư đa dạng từ nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao CNTT đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNTT, đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ, xúc tiến thương mại, đầu tư, cung cấp hạ tầng, dịch vụ CNTT... Dự kiến Dự án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2015 đến 2018 (thực hiện đền bù, xây dựng 50% hạ tầng kỹ thuật), giai đoạn 2, từ năm 2019 đến 2021 (tiếp tục xây dựng hạ tầng 50% diện tích còn lại), giai đoạn 3, từ năm 2022 dến 2024 (xây dựng hoàn thiện toàn Khu).
Theo thông tin từ liên danh chủ đầu tư Dự án Khu CNTT Yên Bình thì hiện tại đã có một số nhà đầu tư thứ cấp đặt vấn đề sẽ đăng ký triển khai dự án CNTT tại đây. Liên danh chủ đầu tư cũng cho rằng, nếu được Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo đơn vị thành viên tham gia một số dự án khởi động tại đây thì sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động thu hút các dự án tiếp theo.
Đánh giá về Dự án trên, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng, vị trí Khu CNTT Yên Bình được đầu tư xây dựng là khu vực đang có sự phát triển đột phá, phù hợp với ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong nước đã có một số khu CNTT tập trung, nhưng chủ yếu được xây dựng trên nền tảng có sẵn, chỉ cần hợp thức hoặc bổ sung các tiêu chí còn thiếu. Với Khu CNTT Yên Bình lại khác, được xây dựng bài bản ngay từ đầu, quy mô lớn, có sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương và nhà đầu tư. Bộ cam kết sẽ đồng hành để nhanh chóng hoàn thiện Dự án.