Từ một cơ quan chỉ làm nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên đã đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ mới, từ xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đến công tác kinh tế đối ngoại, đăng ký kinh doanh, xúc tiến đầu tư, phát triển bền vững…
Ngành Kế hoạch và Đầu tư ra đời cách nay tròn 7 thập kỷ (ngày 31-12-1945). 70 năm qua, cùng với sự trưởng thành và phát triển của toàn ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên đã không ngừng được củng cố, đổi mới và ngày càng phát triển. Ngày 13-3-1996, UBND tỉnh Bắc Thái ra Quyết định thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Thái trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại Ủy ban kế hoạch và Phòng hợp tác đầu tư thuộc Ban đối ngoại tỉnh. Sau khi tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên được thành lập và đi vào hoạt động từ đó đến nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Kể từ khi được thành lập, vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư ngày càng được bổ sung hoàn thiện. Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thành công các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn và trung hạn. Ở tất cả các lĩnh vực được giao, Sở đều nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Trong suốt những năm qua, nhất là thời gian gần đây, công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư đã có tiến bộ rõ rệt, công khai, minh bạch, đảm bảo thời gian theo hướng đầu tư dứt điểm, xử lý nợ đọng để nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng, phát huy tác dụng, hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phân cấp cho các ngành, địa phương, chủ đầu tư, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý đấu thầu sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh phân công, phân cấp như vậy đã góp phần làm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của chủ đầu tư. Do đó, tiến độ giải ngân các nguồn vốn cho các dự án, công trình nhanh hơn rất nhiều so với trước đây. Mặt khác, thông qua công tác đấu thầu đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhiều trường học, trạm y tế đã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, nhiều tuyến đường được đầu tư làm mới giúp bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang.
Thời gian qua, Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành một số chương trình, đề án quan trọng, trong đó đáng chú ý là Đề án cải thiện môi trường đầu tư; Kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI); thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” ở cấp tỉnh... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư giải quyết các thủ tục về đầu tư, giảm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Do đó, trong những năm qua môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rất nhiều, đặc biệt chỉ số PCI của tỉnh đã tăng thứ bậc từ vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành năm 2011 lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành năm 2014.
Nói về công tác xúc tiến đầu tư vào tỉnh, ông Nguyễn Công Việt, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: Ngành thường xuyên tham mưu cho tỉnh chỉ đạo tập trung tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, trong đó phối hợp cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành hàng chục nghìn cuốn tài liệu liên quan đến nhu cầu tìm hiểu đầu tư của các nhà đầu tư; đã tổ chức và tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài. Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh thời gian qua thu được kết quả tốt. Đã có hàng nghìn nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến Thái Nguyên tìm kiếm cơ hội và ký kết hợp tác đầu tư. Toàn tỉnh hiện có trên 650 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký trên 15 tỷ USD. Trong đó có 577 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký khoảng 8,1 tỷ USD; 73 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 7,1 tỷ USD (hiện xếp thứ 10/63 tỉnh, thành về số vốn đầu tư FDI còn hiệu lực). Đây là những con số hết sức ý nghĩa đối với sự phát triển chung của tỉnh.
Những năm qua, do làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính nên thời gian thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã liên tục được rút ngắn. Trước năm 2000, thời gian cấp là 30 ngày, sau năm 2000 rút xuống còn 15 ngày, sau năm 2007 rút xuống còn 10 ngày và nay chỉ còn 3 ngày. Hiện tại, trên toàn tỉnh đã có trên 4.000 doanh nghiệp. Việc phát triển nhanh, mạnh các loại hình doanh nghiệp cộng với xu hướng mở rộng sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế đã tạo thêm việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động mỗi năm.
Trong thư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao công tác tham mưu của Sở cho UBND tỉnh suốt những năm qua. Trong đó nhấn mạnh công tác tham mưu nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, và có các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, tăng cường thu hút đầu tư, huy động nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới... Đồng chí lưu ý, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phát huy truyền thống, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng tham mưu, đảm bảo chính xác, kịp thời và hiệu quả, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.