Ký ức không thể nào quên

09:24, 29/04/2016

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa mấy chục năm, nhưng ký ức về sự kiện hào hùng của quân và dân ta bắn rơi chiếc máy bay thứ 999 và 1.000 của địch trên bầu trời miền Bắc vẫn sáng mãi trong tâm trí những cựu chiến binh thuộc Lữ đoàn Phòng không 210 năm xưa.

Chúng tôi may mắn khi được gặp và trò chuyện với những chiến sĩ cao xạ ngày nào khi họ trực tiếp tham gia bắn rơi tại chỗ hai chiếc máy bay Mỹ thứ 999 và 1.000 trên bầu trời miền Bắc năm 1966.

 

Ông Phan Lâu, nay là Trưởng Ban liên lạc Lữ đoàn Phòng không 210 kể: Sau trận không quân Mỹ đánh phá cầu Gia Bẩy (17-10-1965), Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài đã lên Bắc Thái làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1) và lãnh đạo tỉnh  để kiểm tra lại phương án tác chiến, thông qua quyết tâm chiến đấu của Trung đoàn 210 - Tân Trào (nay là Lữ đoàn Phòng không 210 - Quân khu 1). Ít ngày sau, đơn vị được tăng cường trên 10 đại đội hỏa lực, nâng số trận địa đánh địch lên con số 30. Các mục tiêu lớn cần bảo vệ là Khu Gang thép, Mỏ sắt Trại Cau, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ được tổ chức thành ba cụm phòng không mạnh. Trung đoàn xác định đây là thời cơ lớn để tiêu diệt địch nên cử cán bộ thay nhau xuống trận địa chỉ đạo, huấn luyện cho bộ đội theo cách đánh mới là đưa pháo vào “ôm sát mục tiêu bảo vệ”. Riêng pháo 100 ly, ban ngày luyện thành thạo cách đánh trực tiếp, không dùng radar, máy chỉ huy; ban đêm luyện đánh bằng khí tài tổng hợp; hợp đồng cùng quân dân địa phương xây dựng trận địa dự bị và nghi binh, phối hợp đánh địch ở các tầm, hướng.

 

Theo ông Lăng Ngọc Kỳ, Khẩu đội trưởng thuộc Đại đội 2, Trung đoàn 210 thì buổi chiều hôm quân và dân ta bắn rơi hai chiếc máy bay (29-4-1966), đất trời khu vực T.P Thái Nguyên bị mù khô bao phủ, người chiến sĩ phòng không phải căng mắt ra mới có thể nhìn rõ máy bay địch. Có khi máy bay thả nhiễu, radar khó phát hiện, người lính phòng không phải kết hợp cách đánh truyền thống và hiện đại.

 

Ông Nguyễn Thừa Vũ lúc đó là Khẩu đội trưởng thuộc Đại đội 1, Trung đoàn 210 trực tiếp chỉ huy các pháo thủ ở trận địa Quang Vinh cho biết: Sau khi nhận được lệnh của Trung đoàn báo động cho các đại đội có hàng chục máy bay địch đang lởn vởn ở vòng ngoài, toàn Đại đội vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Các trận địa 57 ly, 37 ly, 14 ly 5... bám riết để nắm được mục tiêu đang bay vào hướng nào, độ cao bao nhiêu rồi lệnh cho các pháo thủ quay về hướng máy bay địch. Hai chiếc F105 (hay còn gọi là “thần sấm”) lợi dụng mù khô, vượt dãy núi Linh Nham, lao xuống Trại Cau. Khi nó định đánh vào Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn thì trúng pháo của quân ra từ độ cao 800m, máy bay địch bốc lửa từ trên bầu trời lao xuống xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Đây là chiếc thứ 999 bị hạ vào lúc 15 giờ 9 phút (29-4-1966).

 

Ở trận địa đồi Tiến Lập (nay là phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên), ông Nguyễn Quang Thịnh, Chính trị viên Đại đội 101, Trung đoàn 210 trực tiếp chỉ huy trận địa có 8 khẩu pháo 100 ly (trong đó 7 người 1 khẩu) bồi hồi nhớ lại: Khi đó, tôi đứng giữa trận địa 8 khẩu pháo, mỗi pháo cách nhau khoảng 50m. Từ Trung đội trưởng, Trung đội phó đều nhìn hiệu lệnh cờ từ tay tôi. Các pháo thủ nhằm vào chiếc thần sấm F105 thứ hai bắn khiến thân hình nó biến thành bó đuốc khổng lồ giữa trời rồi đâm xuống làng Chùa, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương vào lúc 15 giờ 22 phút ngày 29-4-1966. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 1.000 bị quân và dân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Ông Thịnh bảo: “Trong lòng người cầm cờ lúc đó chỉ nghĩ làm sao phải đánh thắng địch mới bảo vệ được mình, bảo vệ được dân, đem lại hòa bình độc lập cho dân tộc”.

 

Khi chúng tôi hỏi về cảm xúc của người khẩu đội trưởng khi ở mâm pháo, những pháo thủ thuộc Lữ đoàn 210 đều cho rằng đó là tình thế rất nguy hiểm. Tiếng pháo nổ rất lớn, nếu pháo thủ nào không quen có thể sẽ bị chảy máu tai, dẫn đến không nghe thấy gì. Nhờ những chiếc mũ rơm bao bọc ngoài mũ sắt do dân quân và các cháu học sinh làm tặng mà các pháo thủ của quân ta tránh được mảnh đạn, bom bắn vào.

 

Có thể khẳng định, với chiến công bắn rơi hai chiếc máy bay Mỹ thứ 999 và 1.000 trên quê hương Bắc Thái không những là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà mà còn là niềm tự hào của những cựu chiến binh Lữ đoàn Phòng không 210 năm xưa.