Làm sao để người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn

15:33, 23/04/2016

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở nước ta được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp ngẫu nhiên gần 14.000 người dân từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước vừa được công bố ngày 12 tháng 4 vừa qua. Đây là lần thứ 5 PAPI được công bố. Báo cáo lần này không chỉ nêu bật kết quả cấp tỉnh năm 2015 mà có sự so sánh qua 5 năm (2011-2015).

Điểm số tổng hợp PAPI cho thấy 7 tỉnh, thành phố được cải thiện nhiều sau 5 năm, trong khi có tới 13 tỉnh, thành phố giảm điểm mạnh. Trong số 6 nội dung của PAPI, ngoài chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” có sự tăng nhẹ qua các năm, 5/6 nội dung còn lại gồm: Chỉ số “Công khai, minh bạch”, “Kiểm soát tham nhũng”, “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Trách nhiệm giải trình của người dân” và “Thủ tục hành chính công” có xu hướng suy giảm đáng kể, trong đó chỉ số “Công khai, minh bạch” giảm mạnh nhất (giảm 7% điểm so với năm 2014).

 

Một chỉ số đáng báo động là tham nhũng vẫn tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng. Ước tính 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sở hữu đất trong năm vừa qua phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục trong năm 2015 (gia tăng đột biến gần gấp đôi so với năm 2014). Ở bệnh viện tuyến huyện, tình trạng phải đưa tiền lót tay cho cán bộ để được chăm sóc tốt hơn vẫn “kiên trì” ở mức 12% như năm 2014. Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong trường tiểu học công lập và trong dịch vụ hành chính công đều cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh… để nhận được dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng. Điều đáng ngại hơn là người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Chỉ có 37% (gần 1/3) số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương.

 

Với Thái Nguyên, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", mang lại hiệu qủa tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo công bố của Chương trình phát triển Liên hợp quốc, chỉ số PAPI của Thái Nguyên năm 2015 vẫn nằm trong top các địa phương có chỉ số cao.

 

Tuy nhiên, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Chỉ số PAPI, chỉ số CCHC hàng năm biến động không ổn định. Theo báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 của UBND tỉnh tại Thành phố Thái Nguyên và Thị xã Phổ Yên đối với 3 lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp huyện (gồm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và cấp chứng minh nhân dân) và 2 lĩnh vực thực hiện tại cấp xã (gồm xác nhận hồ sơ địa chính và đăng ký kết hôn) cho thấy, mức độ hài lòng của người dân không đồng đều giữa các lĩnh vực; chất lượng cung cấp một số dịch vụ hành chính công trên địa bàn vẫn chưa tốt khiến tổ chức, cá nhân còn bức xúc; một số công chức còn có thái độ phục vụ chưa đúng mực… Thực tế này đã và đang làm ảnh hưởng đến chỉ số PAPI và chỉ số CCHC của tỉnh.

 

Nguyên nhân chính là do việc ban hành và thực hiện các kế hoạch liên quan đến công tác CCHC chưa kịp thời; mức độ thực hiện cơ cấu công chức theo vị trí, việc làm còn chậm; tỷ lệ áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 ở các cơ quan hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại cấp xã thấp; cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế. Chất lượng cung ứng dịch vụ công, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục còn thấp. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn hạn chế; công tác phòng, chống tham nhũng có mặt chưa quyết liệt; chất lượng phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác CCHC, cải thiện chỉ số PAPI và chỉ số CCHC, tỉnh đã xây dựng Đề án CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Gần đây nhất, ngày 7 tháng 4 năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về Tăng cường các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI và chỉ số CCHC của tỉnh.

 

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đề ra, Đề án cũng đã xác định các nhóm giải pháp bao gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; phát huy vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể; nâng cao trách nhiệm triển khai thực hiện của các cấp chính quyền. Triển khai các chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện cùng chỉ số khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số theo dõi đánh giá hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả… Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã. Tăng cường công tác công khai, minh bạch trách nhiệm hoạt động công vụ; thực hiện quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đẩy mạnh tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Tiếp tục phân cấp trên các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính. Phát triển đồng bộ và song hành, tương hỗ ứng dụng công nghệ thông tin với CCHC trong hoạt động cơ quan nhà nước, trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ tổ chức và công dân. Với những nhiệm vụ nêu trên, chắc chắn Đề án sẽ tác động tích cực đến hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh.

 

Có thể nói, mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền các cấp là hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Kinh nghiệm ở những địa phương nằm trong tốp có chỉ số PAPI cao là chính quyền ở đây bắt đầu từ việc công khai, minh bạch, tăng cường quan tâm đến việc giải trình, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, từ đó đồng hành với người dân và doanh nghiệp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn.

 

Với bất kỳ chính sách nào, quan trọng hơn cả vẫn là khâu thực hiện. Chừng nào cán bộ, công chức, viên chức chưa thực thi hiệu quả những chủ trương, chính sách do Đảng và Nhà nước đề ra thì chính sách sẽ vẫn chỉ ở trên giấy, không đi vào thực tiễn cuộc sống. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh hãy cùng nhau quyết tâm phấn đấu, làm sao để người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn. Cùng với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), PAPI của tỉnh sẽ trở thành hệ thống chỉ báo toàn diện và bền vững cho những hành động cần thực hiện đối với chính quyền các địa phương trong tỉnh.