Ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - Thấy gì qua những cuộc kiểm tra?

10:07, 05/05/2016

Từ tháng 12-2015 đến hết tháng 3-2016, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm: Đội Quản lý thị trường Cơ động tỉnh, Chi cục QLTT, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Chi cục Thú Y (Sở Nông nghiệp - PTNT) và Sở Y tế đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của T.P Sông Công kiểm tra tại 6 hộ chăn nuôi lợn (có quy mô từ 200 đến 700 con) và 4 hộ sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các hộ đều có vi phạm.    

Về kết quả kiểm nghiệm cụ thể: Lực lượng chức năng tiến hành lấy 12 mẫu thức ăn thì có 5 mẫu vi phạm; trong số 6 hộ chăn nuôi, tiến hành lấy 8 mẫu  thức ăn và 18 mẫu nước tiểu, trong đó 4 hộ có cả mẫu thức ăn và mẫu nước tiểu dương tính với chất tạo nạc Sabutamol. Đội Quản lý thị trường (QLTT) Cơ động tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ vi phạm với số tiền gần 100 triệu đồng và tiến hành tiêu hủy 70 bao thức ăn chăn nuôi có chất cấm hoặc không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ; buộc chuyển đổi mục đích sử dụng 315 bao chất tạo mầu nhãn hiệu LEADER YELLOW đã quá hạn sử dụng (trộn với đất làm phân bón).

 

Khó khăn trong công tác kiểm tra

 

Qua thực tế cùng đoàn kiểm tra chúng tôi nhận thấy: Trong công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành không dễ nhận được sự hợp tác của tất cả các hộ chăn nuôi và hộ sản xuất, kinh doanh. Một số hộ chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, Đoàn kiểm tra phải giải thích mới đồng ý cho kiểm tra. Khi có kết quả thử test nhanh với kết quả dương tính có sử dụng chất tạo nạc, người chăn nuôi thường tỏ ra “vô can” không hề biết có loại chất cấm này hoặc đổ lỗi cho người cung cấp thức ăn chăn nuôi. Thậm chí có doanh nghiệp (xin không nêu tên) sản xuất thức ăn chăn nuôi còn có thái độ đe dọa, thách thức những người thi hành công vụ cho rằng Đoàn kiểm tra đến kiểm tra có ý đồ xấu, cố tình “bới lông tìm vết”, gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, mặc dù Đoàn có đầy đủ đại diện các ngành chức năng và cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn cùng tham gia. Phải qua đấu tranh mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp này mới chịu ký vào biên bản. Điều đáng nói nữa là, nguồn gốc thức ăn chăn nuôi không rõ ràng. Qua kiểm tra 3 hộ chăn nuôi ở Phú Bình các hộ đều chăn nuôi với số lượng lớn (trên 200 con lợn trở lên) nhưng nguồn thức ăn chăn nuôi lại mua trôi nổi ở ngoài thị trường. Trên bao bì không có nhãn hàng hóa, không có nguồn gốc xuất xứ nhưng các hộ chăn nuôi nói trên vẫn không chịu khai nhận đã mua hàng ở đâu, của ai bán? Đối với 2 hộ chăn nuôi ở xã Lương Sơn (T.P Sông Công) tuy kiểm tra tại kho thức ăn đều thấy các bao thức ăn chăn nuôi của Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam, nhưng trong kho lại không có một kg thức ăn nào cho lợn giai đoạn xuất chuồng (từ 70 kg trở lên)? Trong khi tại chuồng lợn đang nuôi hàng trăm con lợn ở giai đoạn này! Khi Đoàn kiểm tra hỏi chủ hộ chăn nuôi, cả hai chủ hộ trên đều cho rằng: “Thức ăn giai đoạn này đã hết, chúng tôi đang cho người đến công ty lấy hàng???”.

 

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

 

Ông La Anh Tuấn, Đội trưởng Đội QLTT Cơ động (Chi cục QLTT tỉnh) cho biết: “Hiện nay, chế tài xử phạt đối với các hộ chăn nuôi và hộ sản xuất, kinh doanh có sử dụng chất cấm còn thấp nên không đủ sức răn đe. Theo quy định, hàm lượng Sabutamol cho phép là 50ppb, nhưng thực tế kiểm tra các hộ chăn nuôi có hàm lượng đều vượt quá 100 lần cho phép. Nhưng theo quy định thì: Phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ; 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại; 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Việc kiểm tra lấy mẫu gửi giám định chất lượng kéo dài, từ khi lấy mẫu gửi đi đến khi có kết quả giám định thường từ 15 đến 20 ngày nên rất khó trong việc xử lý vi phạm. Trong thời gian chờ đợi kết quả, nếu không giám sát chặt chẽ, người chăn nuôi sẽ tẩu tán đàn lợn vẫn còn chất cấm ra ngoài thị trường. Khi có quyết định xử phạt, các hộ cũng không tự giác đến nộp tiền phạt đúng thời hạn mà phải để cơ quan chức năng đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần mới chịu chấp hành”.

 

Cần tăng cường công tác kiểm tra và tuyên truyền

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 942 trang trại và gia trại có quy mô từ 20 đến 1.200 con lợn nái và từ 480 đến 5 nghìn con lợn thịt/trang trại, đó là chưa kể các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ từ dưới 400 con trở xuống; 3 công ty sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi bổ sung, 481 quầy kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, trong khi đó lực lượng kiểm tra thì mỏng nên vấn đề kiểm soát không đơn giản. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh mới chỉ kiểm tra điểm một số hộ chăn nuôi và hộ sản xuất kinh doanh, đa số đều sử dụng chất cấm, đây là vấn đề đáng báo động đối với các cơ quan quản lý và  người tiêu dùng.

 

Ông Phạm Quang Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Vì lợi nhuận (theo tính toán, trong 15 ngày chuẩn bị xuất chuồng, nếu lợn ăn chất cấm này tăng trọng từ 1,8 đến 2 kg/ngày; trong khi đó lợn ăn cám bình thường chỉ tăng trọng được 0,8kg/ngày. Hơn nữa, các thương lái thường chọn mua những con lợn có sử dụng chất cấm vì dáng lợn đẹp, mông nở, da mỏng, hồng hào, tỉ lệ nạc cao) nên một số hộ chăn nuôi vẫn cố tình sử dụng chất cấm Sabutamol cho lợn ăn để dễ bán, giá cao hơn so với lợn bình thường”. Trước thực tế trên, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường công tác kiểm tra và kiểm tra đột xuất để ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm và tránh tình trạng hộ chăn nuôi tẩu tán thức ăn chăn nuôi hoặc bán lợn đi khi phát hiện sử dụng chất cấm. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện, chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra để đạt hiệu quả cao trong công tác kiểm tra. Điều quan trọng là tích cực tuyên truyền ý thức cho hộ sản xuất, kinh doanh và người chăn nuôi không sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hoặc mua nguồn thức ăn chăn nuôi không rõ nguồn gốc; không nên vì lợi nhuận trước mắt để gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người, giống nòi mà còn ảnh hưởng đến chính bản thân người chăn nuôi và cả các hộ chăn nuôi khác. Đi đôi cũng nên tuyên truyền cho các thương lái cách nhận biết lợn sử dụng chất cấm và tẩy chay không mua lợn của những hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Được biết, Chi cục Thú Y tỉnh vừa có văn bản gửi các huyện, thành phố, thị xã, các Trạm Thú y phối hợp chỉ đạo thực hiện: “Phong trào ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” và triển khai từ ngày 1-5 đến ngày 30-5. Những biện pháp trên sẽ là động thái tích cực nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và đây cũng là cách tẩy chay đối với sản phẩm thịt có sử dụng chất cấm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

 

Đối với người tiêu dùng, theo ông Phạm Quang Phúc cũng khuyến cáo: “Khi mua thịt lợn người tiêu dùng nên lưu ý, nếu lợn có sử dụng chất cấm, tỉ lệ mỡ rất ít; phần mỡ và phần bì gần như tách khỏi khối thịt nạc; thịt mầu đỏ sẫm; nếu lợn không sử dụng chất cấm tỉ lệ lượng mỡ dày từ 1 đến 1,5 cm; thịt màu hồng nhạt…