Sớm bàn giao một phần đất rừng Tam Đảo cho địa phương quản lý

08:55, 10/05/2016

Trên địa bàn huyện Đại Từ có 10 xã nằm giáp ranh với Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tại các khu vực này, từ lâu đã xảy ra tình trạng nhiều hộ dân canh tác nông nghiệp, thậm chí làm nhà ngay trong khu vực rừng đặc dụng. Điều này có nguyên nhân từ việc quy hoạch, xác định ranh giới chưa hợp lý các loại đất rừng, đòi hỏi cần sớm có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Vườn Quốc gia Tam Đảo được thành lập năm 1996 với tổng diện tích gần 35.000ha, là rừng đặc dụng, trong đó diện tích nằm trên địa bàn huyện Đại Từ là 12.672ha. Thực hiện chủ trương của cấp trên, năm 1997, tỉnh ta đã có quyết định thu hồi và bàn giao 12.022ha đất (gồm đất lâm nghiệp và đất khác) cho Vườn Quốc gia Tam Đảo, gần 650ha còn lại chưa được thu hồi. Kết quả rà soát các loại đất rừng năm 2009 trên địa bàn huyện Đại Từ cho thấy: Trong ranh giới Vườn Quốc gia Tam Đảo vẫn còn 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu cư trú từ trước khi thành lập Vườn Quốc gia, trong số này nhiều hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng với đó là hàng trăm hộ dân ở ngoài nhưng có lán, đất trồng chè hoặc vườn cây nằm trong khu vực rừng đặc dụng. Ngoài ra, đường ranh giới và mốc giới của Vườn Quốc gia tại một số vị trí cũng không chính xác và khó xác định trên thực địa. Trước thực tế này, tháng 6-2010, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo triển khai Hội nghị về quy hoạch ranh giới và phân định các loại rừng trên địa bàn huyện Đại Từ. Hội nghị đã thống nhất phương án đề nghị điều chỉnh cắt 2.202,6ha đất Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận huyện Đại Từ để giao cho huyện quản lý theo quy chế rừng phòng hộ. Hầu hết diện tích này có độ cao tuyệt đối từ 300m trở xuống. Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Vườn Quốc gia Tam Đảo vẫn chưa có văn bản đồng ý, phê duyệt điều chỉnh diện tích nói trên. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho địa phương, mà trực tiếp là những hộ dân trong khu vực.

 

Trong số các xã nằm giáp ranh với dãy Tam Đảo, Mỹ Yên là một trong những địa phương có nhiều hộ dân đang ở và canh tác phía trong mốc giới của Vườn Quốc gia. Ông Bế Văn Túc, cán bộ phụ trách lâm nghiệp của xã thông tin: Theo rà soát và báo cáo từ các xóm, tổng diện tích người dân đang canh tác trong khu vực rừng đặc dụng Tam Đảo là 118,5ha với 378 hộ dân, trong đó có 110ha rừng trồng và 8,5ha chè. Ngoài ra, còn gần chục hộ có nhà ở phía trong mốc giới. Thực tế, đây đều là những diện tích người dân khai phá và trồng cây từ vài chục năm về trước. Sau có chủ trương bàn giao đất cho Vườn Quốc gia Tam Đảo, họ không được phép khai thác lâm sản ở những diện tích đã trồng nên đời sống gặp khó khăn không nhỏ. Ông Nguyễn Văn Thanh, một hộ dân ở xóm La Tre, xã Mỹ Yên có nhà trong khu vực rừng đặc dụng Tam Đảo cho rằng: Căn nhà của gia đình tôi đã xây dựng được hơn 30 năm, từ khi chưa chủ trương thành lập Vườn Quốc gia Tam Đảo. Biết là tiếp tục ở như vậy là vi phạm, nhưng tôi không có điều kiện di chuyển tới nơi khác. Ông Nguyễn Văn Tới, ở cùng xóm La Tre cũng có hơn 8 sào chè trong vùng rừng đặc dụng. Ông Tới cho biết: Tuy cán bộ của Vườn Quốc gia vẫn tạo điều kiện cho người dân thu hoạch chè khi đến lứa nhưng không được phép cải tạo hoặc trồng lại. Trong khi những cây chè đã trồng từ lâu nên phần nhiều đã già cỗi và cho năng suất thấp. Chúng tôi đề nghị những diện tích ở khu vực thấp, vốn là vườn hoặc rừng trồng của người dân sẽ sớm được bàn giao cho địa phương quản lý, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ và phát trển rừng hiệu quả hơn.

 

Cùng chung quan điểm như trên, ông Dương Văn Hanh, Bí thư Đảng ủy xã Ký Phú nói: Cần có sự điều chỉnh mốc giới, quy định khu vực rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Tam Đảo ở độ cao tuyệt đối từ 300m trở lên, thay cho khoảng 100m như hiện nay. Khi đó, xã Ký Phú sẽ có thêm khoảng 200ha đất rừng thuộc 5 xóm là: Chuối, Dứa, Cả, Đặn 2 và Gió để giao cho người dân quản lý bảo vệ. Thực tế đây đều là những khu vực thấp và độ dốc thoải, chủ là cây tạp và vườn chè của người dân. Nếu giao cho người dân quản lý, họ sẽ có tư liệu sản xuất giúp nâng cao đời sống, từ đó nâng cao ý thức tự giác quản lý và bảo vệ rừng, hạn chế việc xâm hại đến diện tích rừng ở vùng lõi Vườn Quốc gia Tam Đảo.

 

Liên quan đến vấn đề này, mới đây nhất (ngày 9-3-2016), UBND huyện Đại Từ phối hợp với đại diện Vườn Quốc gia Tam Đảo tổ chức hội nghị để thực hiện kiểm tra, quản lý ranh giới các loại đất trên địa bàn. Hội nghị thống nhất tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch ranh giới Vườn Quốc gia Tam Đảo, diện tích dự kiến cắt chuyển cho huyện quản lý là 2.202,6ha, thuộc địa phận 10 xã gồm: Yên Lãng, Phú Xuyên, La Bằng, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Mỹ Yên, Ký Phú, Cát Nê, Văn Yên và Quân Chu. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ đánh giá: Việc chuyển diện tích rừng đặc dụng Tam Đảo ở độ cao tuyệt đối từ 300m trở xuống cho địa phương quản lý theo quy chế rừng phòng hộ sẽ giúp đảm bảo đời sống cho người dân ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo, đồng thời quản lý và bảo vệ diện tích rừng tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi mong rằng các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản đồng ý phương án điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.