Thành công từ một quyết sách đúng đắn

07:53, 11/05/2016

Ngày 21-9-2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 315/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Kết quả đạt được sau hơn 4 năm thực hiện Dự án là  minh chứng sống động nhất cho một quyết sách đúng đắn của tỉnh…  

Bà Lê Thị Hương, xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình) cho hay: Đầu năm 2008, dịch bệnh tai xanh ở lợn đã xuất hiện ở Lương Phú. Thời điểm đó, dịch bệnh nguy hiểm này đã khiến nhiều hộ chăn nuôi trong xã bị lao đao, khánh kiệt khi lợn bị ốm, chết hàng loạt và buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác phòng dịch như tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng… nên dịch bệnh tai xanh không xuất hiện trên đàn lợn của xã nữa.

 

Không chỉ riêng ở Lương Phú mà ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh tai xanh và các dịch bệnh nguy hiểm khác như lở mồm long móng (LMLM) gia súc; cúm gia cầm; tụ huyết trùng trâu, bò, lợn… đã được phòng, chống tích cực, không còn phát sinh thành những ổ dịch lớn. Theo số liệu ngành Thú y cung cấp, hơn 4 năm qua, tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đã giảm rõ rệt. Riêng 3 năm trở lại đây, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong khi trước đó, dịch cúm gia cầm xảy ra liên tiếp qua các năm từ 2006 - 2010; dịch LMLM gia súc xảy ra liên tục các năm 2006, 2007 và cuối năm 2010, đầu 2011 (tính riêng chi phí cho công tác chống dịch LMLM tại huyện Phú Bình và Phổ Yên đợt dịch năm 2010-2011 đã lên tới trên 11 tỷ đồng). Ngoài ra, dịch tụ huyết trùng trâu, bò xảy ra tại 3 huyện là Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương năm 2010 đã làm 107 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó số trâu, bò chết buộc tiêu hủy là 55 con. Đặc biệt, dịch tai xanh ở lợn xảy ra năm 2008 và 2010, số lợn mắc bệnh và buộc tiêu hủy lên đến hàng nghìn con cũng đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi và tiêu tốn nhiều tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mỗi năm phục vụ công tác chống dịch, đồng thời gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi của tỉnh. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho hay: Có được kết quả này là do chúng tôi đã thực hiện có hiệu quả Dự án Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Từ đó đã hạn chế phát sinh các dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần ổn định, tạo điều kiện cho chăn nuôi của tỉnh phát triển…

 

Những thành công rõ nét nhất từ thực hiện Dự án này là công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi ngày càng đạt kết quả tốt, năm sau luôn cao hơn năm trước, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; các cơ chế chính sách ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện của địa phương và được thực hiện có hiệu quả, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh (tiền mua vắc xin, hóa chất, tập huấn, xây dựng mô hình, hỗ trợ phụ cấp cho thú y viên…) được cấp đầy đủ. Thêm vào đó, hệ thống trưởng thú y, thú y viên cơ sở 180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được hình thành, góp phần tích cực trong việc giám sát dịch bệnh, xử lý ổ dịch, tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật ngày càng hoạt động có hiệu quả, giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, vệ sinh tiêu độc khử trùng trong công tác phòng, chống dịch bệnh ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân; UBND các cấp (đặc biệt là UBND cấp xã), ngày càng quan tâm chỉ đạo sát sao hơn đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại địa phương…

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trong những năm tới, khi điều kiện thời tiết có những thay đổi bất thường; tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm từ biên giới phía Bắc qua Thái Nguyên đi tới các tỉnh lân cận vẫn tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi… thì nguy cơ bùng phát các ổ dịch bệnh trên vật nuôi của tỉnh là rất lớn. Nhất là khi thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của cả nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp, dịch cúm gia cầm, LMLM gia súc, tai xanh ở lợn, dại chó… xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trải dài khắp 3 miền của cả nước… Do đó, để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã đồng ý cấp gần 60 tỷ đồng để ngành Thú y tiếp tục thực hiện Dự án này giai đoạn 2016-2020.

 

Với mục tiêu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm đối với vùng chăn nuôi trọng điểm thường xảy ra dịch trên địa bàn toàn tỉnh, Dự án sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT, phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2016-2020.

 

Từ tháng 9-2011 đến tháng 1-2013, Dự án Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm trên địa bàn Thái Nguyên được thực hiện thí điểm ở Phú Bình và Phổ Yên. Trên cơ sở những kết quả đạt được, từ tháng 2-2013 đến hết năm 2015, Dự án này tiếp tục được mở rộng ra các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Dự án đã tập trung thực hiện tốt các công tác như quản lý giám sát dịch bệnh; tiêm phòng vắc xin; vệ sinh, khử trùng tiêu độc; kiểm dịch -  kiểm soát giết mổ - kiểm tra vệ sinh thú y; thông tin tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật.