Sự việc xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 8-5, khi anh Trịnh Lưu Tuấn, (sinh năm 1979) và anh Phùng Văn Định (sinh năm 1984) đến trụ sở Công an huyện Đại Từ trình báo vụ việc bị chém gây thương tích.
Tại cơ quan Công an, theo thông tin trình báo của anh Tuấn và anh Định thì các anh là phóng viên của chương trình Chuyển động 24h (VTV), trong vai người mua chè, đến gia đình ông Nguyễn Anh Minh (trú tại tổ dân phố Chợ 1, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bí mật ghi hình hoạt động sao chè. Người chém anh Tuấn và Định là Nguyễn Duy Tùng (con trai ông Minh) sau khi phát hiện ra anh Tuấn và anh Định đang dùng máy quay lén hoạt động sản xuất chè của gia đình mình.
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều trang báo mạng đã đăng tin, tuy nhiên, có nhiều thông tin chưa thực sự xác đáng. Đơn cử, có bài viết khẳng định đó là phóng viên của chương trình Chuyển động 24h (VTV) bị chém khi đang điều tra về sản xuất chè của gia đình ông Nguyễn Anh Minh là chưa thật sự chính xác, vì khi xảy ra sự việc anh Tuấn và anh Định không hề xuất trình được bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Thậm chí khi đến Công an huyện Đại Từ trình báo, anh Tuấn và anh Định cũng không có gì chứng minh được mình là phóng viên của chương trình Chuyển động 24h (VTV). Hơn nữa, khi có được giấy giới thiệu của Trung tâm tin tức VTV 24 (chuyển đến sau khi sự việc xảy ra) ghi là được cử đến UBND huyện Đại Từ liên hệ công tác thì bản thân anh Trịnh Lưu Tuấn (người đứng tên trong giấy giới thiệu) cũng không đến UBND huyện liên hệ, đặt nội dung công tác với chính quyền địa phương. Vì thế không thể nói như các báo đưa tin là phóng viên đang tác nghiệp hoặc đang điều tra về sản xuất chè ở huyện Đại Từ thì bị chém. Điều này gây ra dư luận xấu, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ chè của nhân dân địa phương.
Nếu anh Tuấn và anh Định có nhận được đơn tố cáo gia đình ông Nguyễn Anh Minh đang dùng hóa chất đánh mốc chè, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì phải đến cơ quan Công an, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chủ quản đề nghị có phương án bảo vệ khi tác nghiệp mới đúng. Trong khi gia đình ông Nguyễn Anh Minh đang làm ăn sản xuất bình thường, chưa có biểu hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặt ngược lại vấn đề, có thể anh Tuấn và anh Định đã giả danh người mua chè, xâm nhập gia đình ông Nguyễn Anh Minh quay lén và sử dụng thông tin riêng của gia đình mà chưa được sự đồng ý của chủ nhà như thế là vi phạm Luật dân sự quy định về quyền bất khả xâm phạm của công dân.
Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Bách gia Luật và Liên danh - Đoàn Luật sư T.P Hà Nội cho rằng: “Khi phóng viên đi tác nghiệp ở một địa điểm nào đó, gặp gỡ ai mà không có giấy giới thiệu, không xuất trình thẻ nhà báo, không nêu mục đích chuyến làm việc của mình thì bất luận thế nào cũng không được coi là hợp pháp. Việc phóng viên tổ chức điều tra bí mật là thể hiện sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm của phóng viên đối với nghề nghiệp. Nhưng về cơ bản, pháp luật không cho phép những cách tác nghiệp kiểu này. Việc phóng viên đi thực hiện cuộc điều tra và áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật cần phải được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan báo chí đó. Hay nói một cách cụ thể, trước khi làm việc này phải xây dựng kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ và phải có sự bảo vệ. Việc bảo vệ này được tiến hành như thế nào là do tùy tính chất của việc điều tra. Đối với hành vi của con trai chủ nhà có dấu hiệu tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009. Để có căn cứ khởi tố về tội danh này, người bị hại cần có đơn yêu cầu khởi tố và đề nghị cơ quan công an trưng cầu giám định thương tích”.
Về vụ việc này, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã khẳng định rõ quan điểm với các cơ quan thông tấn báo chí là: Làm rõ, không bao che, dung túng; nếu cơ sở sản xuất, chế biến chè có sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải xử lý nghiêm; ngược lại, cũng phải kiểm tra quy trình thao tác về nghiệp vụ của anh Tuấn và anh Định như thế nào? Xem có đúng luật hay không?...