Mùa mưa bão mới bắt đầu nhưng trên địa bàn huyện Đại Từ đã liên tiếp xảy ra giông lốc, mưa lớn dẫn đến lũ ống, sạt lở đất, gây thiệt hại về người, tài sản. Bên cạnh yếu tố bất thường của thời tiết thì sự bị động trong phòng, chống thiên tai cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những hậu quả này.
Người dân xã Quân Chu (Đại Từ) vẫn còn chưa hết bàng hoàng về vụ việc chị Trần Thị Thoan (sinh năm 1990, là công nhân Nhà máy điện tử Samsung Thái Nguyên) bị lũ cuốn trôi tại khu vực cầu tràn suối Hòa Bình 1 dẫn đến tử vong vào ngày 25-5 vừa qua. Chị Dương Thị Hằng là người đi cùng xe máy với chị Thoan cũng bị cuốn trôi khoảng 100m nhưng may mắn bơi được vào bờ. Chị Hằng kể lại: Hôm đó, chúng tôi đi làm về đến cầu tràn suối Hòa Bình 1 là khoảng 21 giờ, khi ấy nước đã ngập qua tràn khá cao nhưng chúng tôi đã “liều” đi qua, thế rồi xảy ra tai nạn… Đề cập đến vấn đề này, ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 5-6 cầu tràn tại các trục đường liên xóm. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã chỉ đạo các xóm cử người trực thường xuyên tại các vị trí này khi có mưa bão để cảnh báo nguy hiểm cho người dân. Tuy nhiên, ông Nhâm cũng thừa nhận không phải khi nào xóm cũng bố trí được người để trực 24/24 giờ. Thời điểm chị Thoan và chị Hằng gặp nạn, trên địa bàn xã chỉ có mưa nhỏ, lũ ống từ trên thượng nguồn đổ về đột ngột khiến lực lượng chức năng không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Tìm hiểu tại các tràn vượt suối trên địa bàn huyện, chúng tôi nhận thấy còn nhiều hạn chế, bất cập cần được khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho người dân. Theo thống kê, riêng tuyến đường tỉnh 261 đi qua địa bàn huyện đã có 6 cầu tràn liên hợp qua suối, cùng với đó là hàng chục tràn tại các tuyến đường nông thôn. Đáng lưu ý, hầu như toàn bộ các tràn đều không có biển hướng dẫn, cảnh báo người dân mức độ an trong mùa mưa lũ. Tại khu vực tràn Bình Thuận (thuộc xóm Chùa 9, xã Bình Thuận), chúng tôi thấy hai bên cầu có dựng cột thủy chí (để đo độ cao mực nước tính từ vị trí thấp nhất của mặt tràn) nhưng không hề có biển hướng dẫn mực nước đạt ngưỡng tối đa bao nhiêu là đảm bảo an toàn khi người dân đi qua. Nhiều người đi đường cho rằng, do không biết nên khi tràn bị ngập họ chỉ ước lượng mực nước để đi qua.
Tại cầu tràn liên hợp Suối Bến (thuộc xóm Soi, xã Ký Phú) chúng tôi cũng không thấy có biển hướng dẫn, cảnh báo người dân. Ông Ngô Văn Hùng, nhà ở xóm Soi cho biết: Vào mùa mưa lũ, tràn thường bị ngập từ 50-60cm, đỉnh điểm có thể đến 1m. Vào mùa mưa bão, hai bên tràn chưa được lắp bóng điện chiếu sáng, lực lượng dân quân cũng không thường xuyên trực để cảnh báo nên rất nguy hiểm cho người đi đường.
Cùng với nỗi lo khi qua các tràn, nhiều nơi trên địa bàn huyện Đại Từ có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão. Điển hình nhất là khu tái định cư tại xóm 5 và 6, xã Vạn Thọ. Sau trận mưa lớn ngày 22-4 vừa qua, vị trí sạt lở dài khoảng 350m, rộng 10m gây nguy hiểm cho người dân xung quanh. Theo đánh giá, ngoài nguyên nhân do mưa lớn thì đơn vị tư vấn thiết kế đã không khảo sát đầy đủ về địa chất và các vị trí mạch nước ngầm dẫn đến quá trình thi công không đảm bảo. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết: Mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo di chuyển ngay các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở nhưng đến nay xã mới bố trí được phương án cho các hộ ở tạm khi có mưa lớn. Chúng tôi mong muốn các đơn vị chuyên môn sớm có phương án khắc phục để đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo thống kê, từ đầu mùa mưa bão đến nay, trên địa bàn huyện Đại Từ đã có hai người chết (một trường hợp bị sét đánh tại xã An Khánh), hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở và sản xuất do giông lốc gây ra, thiệt hại về kinh tế lên tới hàng trăm triệu đồng. Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện thừa nhận: Vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm phương án phòng, chống lụt bão đã được phê duyệt. Để hạn chế tối đa những những thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão, trước mắt chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại như lắp biển hướng dẫn, cảnh báo tại những vị trí nguy hiểm; thực hiện nghiêm chế độ trực, gác khi có mưa bão. Một yêu cầu quan trọng khác là tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống và có những kiến thức cần thiết để ứng phó khi có thiên tai.