Ngày 28-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã được diễn ra. Chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh).
Mở đầu phiên họp ngày 28-12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ trình bày tóm tắt Báo cáo Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015. Báo cáo nêu rõ: Năm 2015, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 0,63%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh. An sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến giữa tháng 12 ước đạt gần 885.000 tỷ đồng, dự báo sẽ tăng vượt dự toán, vượt con số đã báo Quốc hội.
Năm nay cũng là năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao nhất với gần 23 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân lên tới 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ đạt trên 162 tỷ USD, tức chỉ tăng hơn 8% so với mục tiêu là 10%, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô và nông sản giảm mạnh, còn nhập siêu chỉ trên 3 tỷ USD.
Nhìn tổng thể, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm nay ước đạt 6,68%, mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm nay và cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6,2%. Động lực cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ sự phục hồi và tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước tăng. Bên cạnh những mặt được, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế như giá nông sản xuống thấp, cân đối ngân sách Trung ương gặp khó khăn do giá dầu thô xuống thấp, bội chi còn cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn. Trong khi đó tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm so với mục tiêu đề ra.
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo Dự thảo, các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra trong năm 2016 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuát khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dung dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 13%; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 53%; tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân là 24,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt đọng có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 85%; tỷ lệ che phủ rừng là 41%. Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Chính phủ đưa ra.
Đối với Thái Nguyên, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi: Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch (KH) đề ra. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước thực hiện 25,2% (KH đề ra là 15%); GRDP bình quân đầu người đạt 46,4 triệu đồng/năm, vượ 3,1% KH; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 365.203 tỷ đông, vượt 40,5% KH; giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 17.500 triệu USD; thu ngân sách trong cân đối đạt 7.010 tỷ đồng, vượt 41% KH; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,7%, vượt KH; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, đạt KH; tạo việc làm mới cho trên 26,7 nghìn người…
Tại Hội nghị, theo gợi ý của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Chính phủ đã đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2015 để tiếp tục phát huy trong năm 2016; chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị với Chính phủ như: Cần tuyên truyền đồng bộ, thường xuyên về Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP); kịp thời ban hành chính sách tạo điều kiện, sự chủ động cho doanh nghiệp; cần có thêm các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; có cơ chế, chính sách để phát triển liên kết vùng bên cạnh việc quan tâm phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; quan tâm hỗ trợ hơn nữa đến phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân cần kịp thời hơn để mang lại hiệu quả cao hơn; siết chặt việc quản lý sản xuất trong nông nghiệp, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu để không làm ảnh hưởng đến việc tham gia vào các hiệp định mà Việt Nam vừa ký kết với các nước…
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ngoài việc tham gia ý kiến vào Báo cáo, dự thảo Nghị quyết cũng đã phát biểu giải đáp thắc mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến Bộ, ngành mình. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được Chính phủ xem xét, tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện vào các báo cáo, nghị quyết của Chính phủ.
Sáng 29-12, Hội nghị tiếp tục làm việc; Thủ tướng Chính phủ sẽ có bài phát biểu kết luận.