Chiều 15-9, tại Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý vào dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tham dự có các đồng chí: Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT của 9 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, T.P Hà Nội và các hợp tác xã, doanh nghiệp và trang trại trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang được đưa ra lấy ý kiển, đối tượng áp dụng chính là các cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định đã đưa ra các vấn đề cụ thể như: Hình thức liên kết và hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; quyền và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết; chính sách ưu đãi, hỗ trợ... Cụ thể: giảm 50% tiền sử dụng đất khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng, tối đa không quá 3 tỷ đồng cho việc xây dựng các công trình, trụ sở, nhà xưởng phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ 300 triệu đồng/dự án phát triển liên kết; hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng chi phí quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho đối tượng sở hữu nhãn hiệu tham gia liên kết; 100% kinh phí đăng ký chất lượng sản phẩm, lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (không quá 300 triệu đồng/sản phẩm...
Về cơ bản, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn tỉnh nhất trí cao với nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị bổ sung: mở rộng hỗ trợ liên kết về tư liệu sản xuất gồm: đất đai, vốn, công cụ lao động...; có chính sách và chiến lược cụ thể về nguồn hỗ trợ cho liên kết sản xuất. Các ý kiến tham gia đóng góp tại Hội thảo sẽ được Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp thu, xem xét chỉnh sửa để xây dựng Nghị định cho phù hợp.