Ngày 18-4-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”. Có thể nói, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, Chỉ số PCI của Thái Nguyên đã có sự chuyển biến rõ nét.
Từ vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành phố năm 2011 trên bảng xếp hạng PCI, đến nay, Thái Nguyên đã có 3 năm liên tiếp đứng tốp 10 cả nước về chỉ số PCI (năm 2014 - xếp thứ 8; năm 2015 - xếp thứ 7; năm 2016 - xếp thứ 7). Kết quả này phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng chính là sự nghi nhận của cộng đồng các doanh nghiệp (DN), doanh nhân đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, triển khai những giải pháp, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực thúc đẩy DN, doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 19-CT/TU đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng qua đạt được nhiều kết quả tốt, nhiều nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng đang được triển khai tích cực và sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể: thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt trên 9.100 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch trước 3 tháng, tăng 36,4% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân chung 9 tháng tăng 18,1% (mức bình quân chung cả nước là 6,7%), đạt 413,2 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 17,4 tỷ USD, bằng 82,9% kế hoạch cả năm. Xuất siêu trên 6,9 tỷ USD; công tác thu hút đầu tư, phong trào khởi nghiệp có nhiều khởi sắc; các dự án công trình trọng điểm được ưu tiên nguồn lực, quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, công tác cải cách hành chính được quan tâm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; quan hệ đối ngoại được rộng mở; tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản trắng về điện, về trước kế hoạch 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Các chính sách xã hội được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên.
Cùng với sự phát triển và lớn mạnh của các DN trong cả nước, đội ngũ DN, doanh nhân của tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng với trên 5.000 DN, cùng hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích của cộng đồng các DN, doanh nhân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua và tin tưởng rằng với một môi trường đầu tư sôi động, an toàn, minh bạch, cộng đồng các DN, doanh nhân tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển, lớn mạnh hơn nữa.
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để làm được điều đó, đề nghị các cấp, các ngành, cộng đồng DN, doanh nhân cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp cần: Nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm kết quả triển khai triển khai Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nâng cao năng lực cạnh tranh theo kiến nghị của Hiệp hội DN tỉnh. Khẩn trương quán triệt, triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân; với tinh thần "Đồng hành cùng DN", tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng chính quyền liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân và DN, trong đó cam kết tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách đầu tư; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để DN phát triển; khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình DN. Tạo điều kiện, khuyến khích sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng chủ yếu dựa vào DN, hợp tác xã và trang trại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân.
Thứ hai, về phía cộng đồng các DN: Cần chủ động, tích cực đẩy mạnh hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công - tư (PPP). Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chủ động trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tham gia, đề xuất các sáng kiến chính sách và dự án đầu tư hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng mang tính toàn diện của tỉnh. Đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu, mà trước tiên là xây dựng thị trường bền vững trên địa bàn tỉnh để tiến tới chiếm lĩnh thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và vươn ra thị trường thế giới. Tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo” - không để ai bị bỏ lại phía sau; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo chỉ đạo của Trung ương.
Thứ ba, hưởng ứng phong trào thi đua “DN Việt Nam hội nhập và phát triển” do Trung ương và tỉnh phát động, đề nghị các các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các DN, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội. Mỗi DN, doanh nhân phát huy sức mạnh cá nhân và đoàn kết xây dựng sức mạnh tập thể vượt qua khó khăn, thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng DN, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Hãy cùng thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, coi đó là động lực liên kết doanh nhân Việt, đoàn kết, đổi mới sáng tạo đưa DN phát triển và hội nhập thành công.