Gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam

16:01, 12/10/2017

Chiều 12-10, huyện Đại Từ đã tổ chức buổi gặp mặt đại diện các doanh nghiệp hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và làng nghề nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).

Trong 9 tháng năm 2017, giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn ước đạt 6.232,1 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 124 tỷ đồng, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này có sự đóng góp đắc lực từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến nay, trên địa bàn huyện hiện có trên 1.700 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể với ngành nghề kinh doanh ngày càng đa dạng.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo huyện Đại Từ đã ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời khẳng định, thời gian qua, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục, mặt bằng… để doanh nghiệp hoạt động. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để đồng hành cùng các doanh nghiệp, doanh nhân.

Nhân dịp này, huyện đã khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích tốt trong sản xuất, kinh doanh, kêu gọi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cùng ngày, T.P Sông Công đã tổ chức Gặp mặt doanh nghiệp trên địa bàn nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Dự buổi gặp mặt có đồng chí Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Sông Công.

 

T.P Sông Công hiện có 351 doanh nghiệp (DN). Trong đó, có 92 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 38 DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và 221 DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trong những năm qua, hoạt động của các DN, doanh nhân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 3.787 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương đạt trên 2 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 91 triệu USD. Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, các DN đóng trên địa bàn thành phố còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo; đóng góp xây dựng trường, lớp học cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.

Cùng ngày, huyện Định Hóa tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 120 doanh nghiệp, 1.000 cơ sở kinh doanh cá thể và trên 3.000 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Trong 9 tháng năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước tính đạt 200 tỷ đồng (tăng 69 tỷ đồng so với năm 2012). Trong 5 năm, huyện thu hút 1 dự án ngoài ngân sách nhà nước (Dự án bến xe khách huyện Định Hóa với tổng mức đầu tư 9,4 tỷ đồng). Hàng năm, huyện đều tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và làng nghề; giải quyết, niêm yết, công khai trên 140 thủ tục hành chính liên quan doanh tới doanh nghiệp; công bố kế hoạch xây dựng nông thôn mới của 23/23 xã nhằm thu hút sự đầu tư; đồng thời tổ chức 4 chương trình, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi năm 2017...