Ngày 19-10, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ về việc triển khai thực hiện tiến độ Dự án “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc”; nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loại lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien; xây dựng Bảo tàng về các loại lan rừng trên địa bàn tỉnh”.
Dự án “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc” do Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân chủ trì. Dự án triển khai thực hiện trong 18 tháng (từ tháng 4-2017 đến tháng 10-2018). Dự án thực hiện tại Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và Phát triển thủy sản vùng Đông Bắc - Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) và 1 hộ dân tại xã Tân Thái (Đại Từ). Với diện tích ao chờ cấy 10.000m2; Từ nguồn gốc trai tự nhiên, đến nay đã có 50.000 con được cấy ghép; 5.000 con được cắt ghép làm tế bào. Bước đầu cho thấy khả năng tạo ngọc của trai có độ phủ ngọc nhanh, chất lượng ngọc cao.
Về nhiệm vụ “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loại lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien; xây dựng Bảo tàng về các loại lan rừng trên địa bản tỉnh”, do Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Vy Anh chủ trì, thời gian thực hiện 36 tháng (từ tháng 3-2017 đến tháng 3-2020). Nhiệm vụ được triển khai thực hiện đúng tiển độ, đã có 65 loài lan, với tổng số gần 2.000 giò được trưng bày tại khu lưu giữ; nhân giống lan Trầm được 1.300 giò; nhân giống lan Phi Điệp tím được 500 giò. Tổng số đã có 3.750 giò lan đang được trưng bày, lưu giữ tại vườn lan trong khu du lịch hồ Núi Cốc.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng đã đánh giá cao sự vào cuộc hiệu quả của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trực tiếp làm việc tại 2 mô hình trên. Đồng thời khẳng định, mô hình thành công không chỉ tạo thêm một điểm nhấn cho du lịch Thái Nguyên, còn góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.