Thực hiện giảm nghèo bền vững

17:26, 28/10/2017

Nhiều năm qua, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” được phát động nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo; người, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai. Tháng cao điểm năm nay càng có ý nghĩa thiết thực hơn trong bối cảnh người dân nhiều tỉnh đang phải nỗ lực khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ lớn gây ra.

Hoạt động hướng về người nghèo luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm với trách nhiệm, tâm huyết cao. Việc nắm tình hình về người nghèo được thực hiện bằng nhiều kênh thông tin, nắm bắt qua các đợt khảo sát, đối thoại trực tiếp; tạo điều kiện để người nghèo có điều kiện nói lên nguyện vọng của mình. Từ đó, chính quyền có phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho từng đối tượng vào từng thời điểm.

Trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành đã phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình 135, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các huyện đang triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu, điều kiện của hộ nghèo; khuyến khích, huy động sự đóng góp trong cộng đồng. Tỉnh đã xây dựng chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo đặc thù, góp phần trợ giúp người nghèo là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở các xóm, bản đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống. Các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững được triển khai; thực hiện miễn, giảm học phí và chi phí học tập cho con em thuộc diện hộ nghèo; triển khai chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc tại Công ty Samsung Thái Nguyên và các đối tác của Tập đoàn Samsung...

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thực sự quyết liệt; một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách giảm nghèo... Vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở về việc hỗ trợ gì cho người dân, cách thức hỗ trợ như thế nào để thật sự hiệu quả.

Để giảm nghèo bền vững, thiết nghĩ, công tác hỗ trợ người nghèo cần thêm nhiều hoạt động có chiều sâu, với sự vào cuộc của toàn xã hội, từ cầm tay chỉ việc đến hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt thế mạnh của địa phương... Cùng với các hoạt động đó, vấn đề hỗ trợ kết nối hộ nghèo với thị trường thông qua phát triển các mô hình liên kết cung cấp dịch vụ với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ có thu hồi về giống, phân bón để tái đầu tư trong sản xuất nông nghiệp; trồng và chế biến dược liệu tại các huyện miền núi, vùng cao cần được quan tâm nhiều hơn.

Các cấp chính quyền, MTTQ cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các hộ dân khai thác tốt nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc triển khai các hoạt động trong Tháng cao điểm vì người nghèo cần phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, phong trào thi đua thường xuyên trong các địa phương, đơn vị và cộng đồng xã hội; cần có sự phối hợp thống nhất giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp với các tổ chức thành viên của Mặt trận để tránh chồng chéo. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, tập trung nêu gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu góp Quỹ “Vì người nghèo”; động viên, biểu dương các địa phương, đơn vị tham gia ủng hộ chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo; góp phần tạo động lực mới trong công tác giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội.

Hộp dữ liệu: Tháng cao điểm Vì người nghèo năm nay (từ ngày 17-10 đến 18-11) được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động nhằm kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân… ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, góp phần thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.