Trong phiên thảo luận tổ (7-12), đã có gần 80 lượt đại biểu (ĐB) phát biểu bày tỏ sự quan tâm và cả những băn khoăn, qua đó, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng làm rõ nhiều nội dung nêu trong các báo cáo, đề án, tờ trình. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thái Nguyên, không khí thảo luận diễn ra sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm.
* Có thể nói, nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các ĐB là Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của tỉnh. Về cơ bản, các đại biểu đồng tình với đánh giá trong báo cáo của UBND tỉnh. Qua đó, cho thấy hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp… Tuy nhiên, ở một số nội dung, nhiều ĐB vẫn còn có những băn khoăn. ĐB Trần Văn Khương (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằng UBND tỉnh cần báo cáo cụ thể, chi tiết về tình hình cải cách hành chính và kết quả xây dựng chính quyền điện tử; dự báo năm 2018 và những năm tiếp theo. Còn theo ĐB Phạm Hoàng Sơn (Đoàn Phú Lương) và Vũ Duy Hoàng (Đoàn T.P Thái Nguyên), UBND tỉnh cần đưa ra giải pháp cụ thể, căn cơ nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm 2017. ĐB Lê Thị Thu An (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằng: Chỉ tiêu xóm làng, tổ dân phố văn hóa đưa ra cho năm 2018 là 70% (giảm 14% so với năm 2017) là chưa hợp lý. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ cơ sở để đưa ra chỉ tiêu này…
* Cũng nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB là Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc đề nghị thông qua Đề án Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Cơ bản các ĐB đều cho rằng: Mục tiêu quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các ĐB: Dương Thị Hồng Nhã (Đoàn Phú Bình); Lê Thanh Tuyết (Đoàn T.X Phổ Yên); Nguyễn Văn Hoàng (Đoàn T.P Thái Nguyên)… cho rằng, năm 2013, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Đề án Giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Do đó, UBND tỉnh cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng người dân không đưa gia súc, gia cầm vào các khu giết mổ tập trung để có đánh giá toàn diện, làm căn cứ xây dựng đề án trong giai đoạn 2018-2020. Cùng với đó, cần điều chỉnh, năm 2018 phải hoàn thành xong việc quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và các khu nhỏ lẻ (thay vì năm 2020 như Đề án), để từ năm 2019 sẽ thực hiện việc thu hút đầu tư và triển khai xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đến năm 2020 không còn tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm ở lòng đường, vỉa hè.
* Đối với nội dung Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc giao biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp và hợp đồng năm 2018 của tỉnh Thái Nguyên, ĐB Trần Văn Khương (Đoàn T.P Thái Nguyên) bày tỏ băn khoăn: Hiện nay, theo báo cáo của UBND tỉnh, còn một lượng lớn biên chế sự nghiệp đã giao kế hoạch nhưng chưa tuyển dụng được, trong khi ngành giáo dục hiện thiếu biên chế theo định mức quy định. Đề nghị UBND tỉnh báo cáo, giải trình làm rõ nội dung này. Còn theo ĐB Kiều Thị Thao (Đoàn Phú Bình), ĐB Ngô Quảng Bá (Đoàn T.P Sông Công): UBND tỉnh cần nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích, động viên cán bộ công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trước tuổi, đảm bảo vừa tinh giản biên chế, vừa đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ kế cận. Cũng về nội dung này, một số ĐB cho rằng: Việc tuyển dụng công chức, viên chức hiện được tỉnh phân cấp cho các các địa phương, đơn vị có nhu cầu tự tuyển dụng. Tuy nhiên, cơ chế này đang nảy sinh nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện thu hút người có năng lực, trình độ vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị. Đề nghị tỉnh nghiên cứu lại việc thi tuyển để đảm bảo chất lượng tuyển dụng.
* Về một số nội dung khác: ĐB Dương Văn Tiến (Đoàn Võ Nhai) kiến nghị: Võ Nhai vừa thoát khỏi vùng được hưởng chính sách đặc biệt khó khăn. Nếu áp dụng cơ chế đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo là 80-20% sẽ rất khó cho địa phương. Còn ĐB Đinh Hồng Thanh (Đoàn Phú Bình) phản ánh: Hiện, tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên trên tuyến ĐT266 đoạn Điềm Thụy đi T.P Sông Công bởi lưu lượng xe đông, nhất là xe chở công nhân Sam sung, khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Đề nghị tỉnh sớm có kế hoạch nâng cấp mở rộng tuyến đường này. ĐB Phạm Hoàng Sơn (Đoàn Phú Lương) đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. ĐB Nguyễn Thị Mai (Đoàn Phú Lương) đề nghị thời gian tới, tỉnh cần đánh giá năng lực của chủ đầu tư trước khi quyết định cấp phép đầu tư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, cần cương quyết thu hồi những dự án đã được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc không triển khai... ĐB Nguyễn Hoàng Mác (Đoàn T.P Thái Nguyên) kiến nghị: Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều diễn biến phức tạp. Tội phạm có chiều hướng gia tăng và liều lĩnh. UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và giải pháp ngăn chặn trong thời gian tới. Về việc hỗ trợ kinh phí cho nhân viên nấu ăn cho các trường mầm non, ĐB Phạm Văn Thọ (Đoàn T.X Phổ Yên) cho rằng, hiện tỉnh đang thực hiện theo cơ chế cào bằng, khiến khu vực trung tâm rất khó tuyển được người. Vì thế nên thực hiện theo cơ chế xã hội hóa.
Ở một góc độ khác, ĐB Dương Văn Tiến (Đoàn Võ Nhai) cho biết: Trong cuộc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý để huyện thực hiện 3 công trình cấp bách trong 2 năm 2017 và 2018 nhưng hiện vẫn chưa được bổ sung vốn trung hạn giai đoạn 2018-2020. Còn ĐB Nguyễn Văn Cường (Đoàn T.X Phổ Yên) nêu thực trạng: Sau hơn 2 năm thành lập, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến nay mới thực hiện được 2 lần bảo lãnh cho 1 doanh nghiệp. Nguyên nhân do các điều kiện để được bảo lãnh quá khắt khe, trong khi nhu cầu vốn của DN rất lớn. Đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ. Còn Ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa thì đề nghị: Năm 2017, Định Hóa bị thiệt hại nặng nề do mưa bão, với ước tính thiệt hại lên tới trên 150 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của tỉnh. Ngoài ra, một số ĐB cũng đề nghị làm rõ những vấn đề phát sinh trong triển khai các dự án BOT trên địa bàn, nhất là dự án đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp…