“Chạy” thi đua

10:15, 25/05/2018

Thời gian gần đây, nhất là từ khi xảy ra vụ việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam bị thu hồi, hủy bỏ các danh hiệu thi đua, trên các diễn đàn bắt đầu xuất hiện cụm từ “chạy” thi đua. Cũng như “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” tội hay các loại “chạy” khác mà xã hội lên án, “chạy” thi đua không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn làm thui chột động lực phấn đấu của mọi người.

Thi đua chính là động lực phấn đấu xuất phát từ cái tâm trong sáng, minh bạch của mỗi người, giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Vậy, tại sao lại có chuyện “chạy” thi đua? Phải chăng, có người muốn dựa vào thành tích thi đua để làm những việc có lợi cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích mà người đó là thành viên?

Trở lại vụ Trịnh Xuân Thanh, nhân vật điển hình về “chạy” thi đua, giờ đã bị tòa án xét xử, định tội thích đáng và bị tước toàn bộ danh hiệu cá nhân do “chạy” mà có. Nhân vật này trước đây dù có nhiều sai phạm để doanh nghiệp thua lỗ, làm thất thoát khối lượng lớn tài sản của Nhà nước nhưng do chạy chọt giỏi mà cá nhân Trịnh Xuân Thanh vẫn được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Doanh nghiệp do Thanh làm chủ cũng được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lao động mặc dù đang trên bờ vực phá sản. Hơn nữa, dựa vào “thành tích” trên mà Trịnh Xuân Thanh đã được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, rồi được giới thiệu để bầu và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Vụ viêc này thật sự làm dư luận hoang mang, bất bình, khiến lòng tin đối với công tác thi đua, khen thưởng của Đảng, Nhà nước bị mai một. Đây chính là bài học đắt giá cho những ai làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp ở thời điểm hiện nay.

Sau sự việc này, nhiều người cho rằng, chắc chắn đâu đó vẫn còn những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, “chạy” thi đua để vụ lợi cá nhân. Còn nhớ, cách đây không lâu tại một cuộc thi sắc đẹp trong nước, báo chí đã nhắc đến một trường hợp “chạy” Ban Tổ chức, Ban Giám khảo để được đăng quang trong khi mình không phải là người đẹp nhất, lại vi phạm quy chế cuộc thi và đặc biệt không có nhiều phần thi hoàn hảo. Điều này cho thấy, đây không còn là cuộc thi sắc đẹp theo đúng nghĩa mà trở thành cuộc ganh đua mà ở đó xuất hiện những  hành vi mua chuộc, nịnh bợ và nhận hối lộ. Hay như trường hợp một doanh nghiệp ở tỉnh nọ vì muốn đánh bóng thương hiệu của mình đã bất chấp “đi cửa sau” với cơ quan có thẩm quyền để được vinh danh là đơn vị xuất sắc nhất, dù không xứng đáng. Cũng có đơn vị nhờ cậy, lo lót để được công nhận sản phẩm uy tín, chất lượng cao hòng đánh lừa người tiêu dùng, kiếm lời bất chính. Mặc dù được công nhận phần thưởng nọ, chứng nhận kia, song các doanh nghiệp này không thể qua mắt được đối tác và người tiêu dùng. Do đó, vai trò thi đua bị xem nhẹ, ý chí phấn đấu bị thui chột.

Chúng ta phải luôn hiểu rằng, thi đua không phải là ganh đua. Thi đua chính là cố gắng làm tốt những công việc được giao, ai cố gắng làm tốt phần việc của mình sẽ dẫn tới kết quả tốt, tạo những thành quả chung cho tập thể. Tư tưởng “chạy” thi đua sẽ chỉ mang lại lợi ích trước mắt cho cá nhân hoặc nhóm người nào đó, để rồi sớm muộn cũng bị phát giác, bị xã hội loại trừ.

Mới đây, đọc một bài viết về động lực thi đua đăng trên Trang thông tin của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, tôi thấy khá tâm đắc. Bài viết cho rằng, lâu nay công tác thi đua, khen thưởng của chúng ta có tác dụng rất lớn nhằm động viên, cổ vũ cá nhân, tổ chức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc khen thưởng ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, nặng thành tích, dù phát động thi đua rầm rộ nhưng vẫn khó khăn khi đi vào cuộc sống. Trong khen thưởng còn nặng nghiêng về lãnh đạo và cán bộ, nhẹ cho nhân viên, quần chúng. Ở một cơ quan, đơn vị, khen cho lãnh đạo thì nhiều mà khen cho nhân viên và người lao động sản xuất trực tiếp thì ít. Có những đơn vị cuối năm tổng kết, hầu như hội nghị nào cũng thấy xuất hiện một vài cá nhân quen thuộc lên bục nhận bằng khen, giấy khen. Vẫn còn một số tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng nhưng thành tích không thực sự nổi bật, tiêu biểu, không có tác dụng nêu gương để học tập trong cơ quan, đơn vị. Thậm chí, không ít người được khen cao, tôn vinh tại các diễn đàn lớn xong là chìm luôn, không ai nhắc đến.

Nhân cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, các địa phương đang tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội. Đây cũng là dịp để các cấp chính quyền có những đổi mới về chất trong hoạt động thi đua khen thưởng, làm sao cho hoạt động này phải thực sự là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần mọi người. Để công tác thi đua đạt kết quả tốt nhất, những người có trách nhiệm phải thật sự công tâm, công bằng, không đánh mất lương tâm và phải nhất nhất vì tập thể, vì sự phát triển chung. Điều quan trọng là phải loại trừ bằng được những hành vi “chạy” thi đua, “chạy” thành tích ra khỏi cộng đồng xã hội. Có như vậy, công tác thi đua mới xứng đáng với ý nghĩa “thi đua ái quốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.