Ngày 9-5, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan để đánh giá hiện trạng, phương án bổ sung các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018 và bàn phương án thực hiện các dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020
Năm 2018, toàn tỉnh đã có 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM được phê duyệt theo kế hoạch. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 100 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước kế hoạch 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, UBND các huyện, thành, thị bổ sung thêm vào kế hoạch năm 2018 từ 8-14 xã.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành đã thảo luận và làm rõ các nguyên tắc lựa chọn các xã đủ điều kiện có khả năng phấn đấu đạt chuẩn để đưa vào danh sánh như tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất và các giải pháp về khả năng đối ứng ngân sách của các địa phương. Đối với báo cáo đề xuất chủ trương hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020 (bao gồm 13 dự án), bên cạnh việc nhất trí với chủ trương, các đại biểu đã làm rõ thêm một số vấn đề về kinh phí thực hiện, căn cứ pháp lý và nguồn lực đầu tư…
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, đồng chí Đoàn Văn Tuấn yêu cầu đối với báo cáo hiện trạng và đề xuất phương án lựa chọn các xã đăng ký bổ sung đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, các sở, ngành liên quan phải làm rõ các giải pháp cụ thể cho từng phương án đã nêu trong báo cáo, đặc biệt là các giải pháp về kinh phí, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất và thời gian thực hiện. Đối với báo cáo đề xuất chủ trương hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT cần rà soát lại các căn cứ cho đầy đủ tính pháp lý, có bản tóm tắt và phân loại cụ thể đối với các nhóm dự án trong tổng số 13 dự án đã nêu, đồng thời các giải pháp cụ thể kèm theo phải mang tính khả thi, hiệu quả.