Giám sát quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

15:44, 20/07/2018

Sáng 20-7, tại Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp - PTNT), Đoàn công tác của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Mậu, Trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2011/NQ-HĐND ngày 03/4/2011 của HĐND tỉnh về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2020.

Trong những năm qua, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo các chương trình, dự án và đã đạt được kết quả tích cực. Cụ thể: Từ năm 2011 đến 2017, toàn tỉnh trồng mới được trên 37 nghìn ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,91%, đạt 104% kế hoạch Nghị quyết. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 199 tỷ đồng (năm 2011) lên 445 tỷ đồng (năm 2017); toàn tỉnh có 125 ban lâm nghiệp với trên 1.300 tổ quản lý, bảo vệ rừng. Hiện, ngành Nông nghiệp - PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện rà soát rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT, Chi cục Kiểm lâm làm rõ kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết (mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường) và dự báo kết quả đạt được đến năm 2020; thống nhất số liệu quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020; nguyên nhân Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng giai đoạn 2011-2020 với tổng kinh phí trên 90,6 tỷ đồng hiện vẫn chưa được phê duyệt đầu tư; cơ chế thuê khoán cán bộ để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...

Kết luận buổi giám sát, đại diện Đoàn giám sát đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện bản báo cáo. Đồng thời, rà soát lại các đề án, dự án như: Đề án bảo vệ và phát triển khu rừng ATK Định Hóa giai đoạn 2008-2020; Dự án rà soát điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên; Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống đường lâm nghiệp phục vụ sản xuất, phát triển bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng... xem có khó khăn, vướng mắc khâu nào để đưa ra kiến nghị cụ thể. Đồng thời, rà soát lại một số dự án đã có chủ trương phê duyệt song chưa triển khai do Luật Quy hoạch thay đổi gồm: Quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống và vườn ươm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Nâng cao năng suất rừng trồng và làm giàu tự nhiên tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 để đưa ra rõ nội dung kiến nghị, đề xuất với tỉnh, Trung ương.