Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo nhấn mạnh của đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Hội nghị sơ kết thí điểm công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng cánh đồng lớn huyện Phú Bình được tổ chức sáng 30-7. Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự có Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh đã rà soát và lựa chọn huyện Phú Bình với 3 xã là Tân Đức, Xuân Phương và Úc Kỳ để thực hiện thí điểm công tác DĐĐT, xây dựng cánh đồng lớn. Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, 3 xã nói trên đã tổ chức dồn điền được 135/226ha, đạt 60% kế hoạch. Nông dân đã nhận đất canh tác trên vùng dồn điền trong vụ xuân năm nay, đồng thời ký hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với Công ty TNHH Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức người dân trong việc liên kết tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Kết quả, năng suất lúa bình quân đạt 60,5 tạ/ha, tăng 5,5 tạ/ha; giá trị sản xuất sau dồn điền đổi thửa 139 triệu đồng/ha, tăng 41,7 triệu đồng/ha so với trước khi DĐĐT.
Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm xây dựng cánh đồng lớn vẫn còn một số khó khăn bởi đây làviệc làm mới, huyện Phú Bình được lựa chọn làm điểm song chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể; các sở, ngành, địa phương còn lúng túng trong thực hiện, tiến độ công việc còn chậm so với yêu cầu; thiếu kinh phí xây dựng hạ tầng sản xuất và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau thực hiện dồn điền…
Tại Hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương DĐĐT, xây dựng cánh đồng lớn. Với mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh thực hiện DĐĐT được 1.000ha đất trở lên, các địa phương đề xuất: Tỉnh quan tâm đến vấn đề quy hoạch, xây dựng bản đồ DĐĐT theo định hướng của ngành Nông nghiệp và đăng ký của địa phương; lựa chọn địa phương có tiềm lực, đủ điều kiện để triển khai trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả. Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc DĐĐT, tích tụ ruộng đất cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện DĐĐT, tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020…
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, UBND tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo rà soát lại các văn bản, chủ trương định hướng của Trung ương, Bộ Nông nghiệp - PTNT, tỉnh từ trước đến nay về vấn đề DĐĐT, tích tụ ruộng đất. Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại và hoàn thiện cơ chế đặc thù áp dụng với huyện Phú Bình và các địa phương khác trong tỉnh. Đồng chí cũng yêu cầu UBND tỉnh sớm hoàn thiện nghiên cứu về chủ trương, định hướng triển khai nhân rộng mô hình DĐĐT, tích tụ ruộng đất trong thời gian tới đối với từng địa phương. Đồng thời yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, thống nhất về chủ trương DĐĐT, tích tụ ruộng đất nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới…