Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo sáng 17-9, bão số 6 (bão Mangkhut) vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền. Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Nam bão số 6, từ sáng 17 đến 18-9, khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to, đặc biệt là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa.
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó với bão và các tình huống bất thường, giảm thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã ban hành Công điện số 49/CĐ-BCH yêu cầu Ban PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện các nội dung sau:
Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão. Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, tập trung thu hoạch những diện tích lúa đã chín và thủy sản đạt yêu cầu thương phẩm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, hầm lò, các dự án đang thi công ven sông, bãi thải khai thác khoáng sản. Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục. Đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Chỉ đạo các tổ, đội xung kích kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh, sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tổ chức cắm biển cảnh báo; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm tra, tuần tra canh gác các ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các đập, hồ chứa xung yếu hoặc đã đầy nước. Đối với hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cập nhập thường xuyên, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là đối với dự báo định lượng về mưa và dòng chảy cụ thể cho khu vực lòng hồ Núi Cốc để chỉ đạo điều hành hồ chứa. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh cập nhật thường xuyên diễn biến của bão, tăng cường thời lượng phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn diện rộng đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với bão, mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất; thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo số điện thoại: 0208.3737.113; Fax: 02083.851.318;
Email: phongchongthientaithainguven@gmail.com để kịp thời chỉ đạo.