Sáng 5-9, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thương hiệu làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Thủ công mỹ nghệ trong điều kiện hội nhập. Tham gia Hội thảo có gần 200 đại biểu là lãnh đạo một số sở, ngành, đại diện các hiệp hội làng nghề, làng nghề, hợp tác xã, các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh, cán bộ phụ trách liên quan đến phát triển làng nghề.
Trong bối cảnh hội nhập, trước sức ép của thị trường, nhiều làng nghề có nguy cơ bị mai một, đặc biệt là làng nghề thủ công mỹ nghệ. Những khó khăn trong phát triển làng nghề đặt ra yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh cho làng nghề thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Trước thực trạng này, tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận tập trung xoay quanh các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, như: cần thiết liên kết xây dựng cụm sản xuất; nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về xây dựng thương hiệu; cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ, chống hàng giả, hàng nhái, đồng thời bảo vệ các ý tưởng sáng tạo, độc đáo của các nghệ nhân; có định hướng trong sản xuất thủ công mỹ nghệ, phân biệt giữa các sản phẩm thủ công đáp ứng thị hiếu của thị trường với số lượng lớn, giá cả hợp lý với các sản phẩm tinh xảo, cao cấp; đa dạng hóa các mặt hàng và hình thức xuất khẩu…
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đi tham quan thực tế tại Không gian văn hóa trà Tân Cương, xã Tân Cương; Hội chợ triển lãm Mỗi xã, phường một sản phẩm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực trung du miền núi phía Bắc - Thái Nguyên 2018, đang được tổ chức tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (T.P Thái Nguyên).