Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở gần moong khai thác Tầng sâu núi quặng của mỏ sắt Trại Cau (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an vì hiện tượng sụt lún đất ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Người dân mong sớm được đền bù, hỗ trợ tài sản để di chuyển đến nơi an toàn.
Biết có phóng viên đến, nhiều người dân ở tổ 14, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) đã tập trung chờ sẵn để phản ánh tình trạng mất an toàn do sụt lún đất. Anh Vũ Huy Hoàn kể lại: Cách đây khoảng 2 tháng, cạnh móng nhà kho của tôi xuất hiện một hố sụt lún rộng 3m2 khiến nền nhà bị vỡ, sụt. Hố sụt ngày càng rộng ra đến khoảng 8m2 và sâu thêm làm nhà kho bị sập. Khi tôi báo tin, cán bộ Thị trấn đã xuống kiểm tra, lập biên bản, rào quây lại và cắm biển cảnh báo mất an toàn. Nhà ở của gia đình tôi cũng xuất hiện nhiều vết nứt ngày càng lớn.
7 hộ khác ở gần moong khai thác hơn gia đình anh Hoàn (có nhà chỉ cách bờ moong khoảng 100 mét) cũng đang sống trong nỗi lo sợ khi nhà cửa của họ có thể bị sập đổ bất cứ lúc nào do sụt lún và những vết nứt ngày một lớn. Ngôi nhà xây bán kiên cố của gia đình bà Vũ Thị Ngọc gần đây xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, trần nhà và ngoài hiên. Đặc biệt, khu vực nhà bếp, nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi có những vết nứt rộng đến 2cm, nền bị lún. Bà Ngọc nói: Nhà tôi phải quây tạm một chỗ khác để đun nấu. Còn ở đây ngày nào, tôi lo lắng ngày đó…
Gần nhà bà Vũ Thị Ngọc, ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà Vũ Thị Cúc cũng bị nhiều vết nứt, mất an toàn. Căn bếp mới xuất hiện những vết nứt lớn. Còn gia đình ông Trần Văn Tỵ không dám ở trong nhà chính mà buộc phải “cải tạo” sân thành nơi ngủ, nghỉ từ vài tháng nay. Vườn nhà ông Tỵ có hố sụt lún sâu như một chiếc giếng. Ở gần moong khai thác của Mỏ sắt Trại Cau nhất là gia đình ông Đặng Quốc Tuấn, Bí thư Chi bộ tổ 14. Trong căn nhà cấp bốn gia đình ông Tuấn đang ở có nhiều vết nứt ngang dọc, vết cũ rộng ra và thêm những vết nứt mới. Ông Tuấn và nhiều người dân trong tổ đã khẩn thiết gửi đơn đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp bảo quản an toàn để người dân ổn định cuộc sống.
Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, cho biết: Gần đây, Thị trấn nhận được nhiều đơn phản ánh, kiến nghị của người dân ở gần moong khai thác Tầng sâu núi quặng, chủ yếu thuộc tổ 12, 14, 16. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy mức độ nghiêm trọng do hiện tượng sụt lún gây ra trong khu vực ngày càng lớn, tập trung ở tổ 14. Đối với những trường hợp cấp thiết, Thị trấn phối hợp với Mỏ hỗ trợ các hộ khắc phục tạm thời, khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chú ý đảm bảo an toàn. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng sớm kết luận tác nhân, xác định trách nhiệm của đơn vị khai thác gây ra (ngoài Mỏ sắt Trại Cau, trong khu vực cũng có một số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản - PV). Từ đó yêu cầu họ bố trí kinh phí đền bù, hỗ trợ di chuyển cho người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ tại thị trấn Trại Cau mà ở địa phương lân cận là xã Cây Thị (Đồng Hỷ), tình trạng sụt lún, mất nước, nứt các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân cũng xảy ra ngày càng phổ biến. Khu vực xảy ra hiện tượng này đều ở gần moong khai thác của Mỏ sắt Trại Cau. Tháng 7 vừa qua, 49 hộ dân thuộc xã Cây Thị đã làm đơn đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm xác định nguyên nhân và đền bù thiệt hại về tài sản.
Người dân sống gần moong khai thác Tầng sâu núi quặng của Mỏ sắt Trại Cau cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún đất và nứt các công trình xây dựng là do việc khai thác xuống sâu đã rút nước ngầm khiến lòng đất bị rỗng. Nguyên nhân nữa là do hoạt động nổ mìn khai thác của mỏ. Cũng theo người dân, hoạt động khai thác được mở rộng và xuống sâu còn khiến nhiều giếng khoan trong vùng bị mất nước.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm nay, huyện Đồng Hỷ đã hợp đồng với Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên - Môi trường) triển khai Dự án “Nghiên cứu điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục sụt lún đất, mất nước và rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị”. Thời hạn thực hiện hợp đồng là hết ngày 30-6-2018 nhưng hiện đơn vị tư vấn mới có dự thảo kết quả. Theo đánh giá của các chuyên gia và đại diện cơ quan liên quan của tỉnh, dự thảo này chưa có kết luận rõ ràng, chính xác, chưa đảm bảo tính khoa học và tính thuyết phục cao nên cần thêm thời gian để hoàn thiện.
Trước đó, trong 2 năm 2016-2017, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã đền bù, hỗ trợ di chuyển một số hộ dân (có nguy cơ mất an toàn cao nhất) và hỗ trợ thiệt hại tài sản cho một số hộ khác sống gần moong khai thác. Với những diễn biến gần đây khi hiện tượng sụt lún tiếp tục gây nguy cơ mất an toàn cho người dân và ảnh hưởng đến sản xuất, nhiều hộ đang mong mỏi từng ngày để được di chuyển và đền bù thiệt hại.